Theo ThS. Nguyễn Sĩ Giao, luật hóa chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là một điểm mới của Luật Thanh tra năm 2010 nhằm đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của những cơ quan này, đồng thời khắc phục được tình trạng thành lập các cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập vốn tồn tại trước khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành. Qua 9 năm thi hành Luật Thanh tra, trong giai đoạn từ 1/7/2011 đến 30/6/2019, đã có 1.668.899 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 32.340 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế làm giảm hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý vi phạm với những nguyên nhân chủ yếu về nguyên tắc, trình tự, hình thức thực hiện thanh tra chuyên ngành; về thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; về phương thức phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

“Những bất cập, hạn chế nói trên đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải nghiên cứu, phân tích thấu đáo về lý luận và thực tiễn để đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh thanh tra chuyên ngành trong việc phát hiện, xử lý vi phạm”, ThS. Nguyễn Sĩ Giao nhấn mạnh.

Với mục tiêu chung là đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung sau: Những vấn đề chung về phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thực trạng pháp luật và thực tiễn phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; quan điểm, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần làm rõ cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật về phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra và những người trực tiếp được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, chủ nhiệm đề tài đã làm rõ được tính cấp thiết phải nghiên cứu vấn đề phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Hơn nữa, hiện nay, không có nhiều công trình khoa học nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện các khía cạnh liên quan đến quy định pháp luật, cũng như thực tiễn về phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nội dung thuyết minh, đề tài cần giới hạn lại phạm vi nghiên cứu cho phù hợp với đề tài khoa học cấp cơ sở; cụ thể hóa hơn một số nội dung nghiên cứu.

Theo ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, kết quả nghiên cứu có khả năng áp dụng vào thực tiễn và có tác động nhất định đến tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành; cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài có đủ điều kiện và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu.

Nội dung 1 cần bổ sung thêm các quan niệm về hoạt động thanh tra chuyên ngành và phát hiện, xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; bổ sung thêm 2 nội dung: Bản chất của hoạt động thành tra chuyên ngành và hình thức triển khai, tiến hành của hoạt động thanh tra chuyên ngành; thay các điều kiện đảm bảo vào những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; chuyển nội dung “khái quát về tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” sang nội dung 2 vì thực chất đây là nội dung đánh giá thực trạng.

Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ tịch Hội đồng đề nghị, tên đề tài điều chỉnh lại là: “Việc phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”. Nội dung 1 cần khái quát về xử lý vi phạm hành chính (mô hình hiện nay) của cơ quan có thẩm quyền, làm rõ hình thức tiến hành thanh tra. Nội dung 2 nên khái quát về tình hình thực hiện, đánh giá về quy định pháp luật và kết quả thực hiện trên thực tế, đánh giá chung về ưu điểm, kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, khuôn lại phạm vi một số cơ quan cụ thể và khái quát nhu cầu thực tiễn. Nội dung 3, các giải pháp, kiến nghị hướng tới việc sửa đổi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về thanh tra.

Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn đề tài đề nghị ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa tên đề tài và nội dung nghiên cứu theo các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn đề tài nhất trí phê duyệt nghiên cứu đề tài khoa học “Phát hiện và xử lý vi phạm của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành”.

Thái Hải