Theo ThS. Lưu Thị Ngọc Vân, Vụ Hợp tác Quốc tế, tuy mới trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng cùng với sự phát triển, vận dộng không ngừng của thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế đã mang lại một số đóng góp giá trị cho sự phát triển của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Những thông tin, kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế chứa đựng những kinh nghiệm quốc tế phong phú, những kiến thức, thực tiễn tốt của quốc tế về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Những thông tin, kết quả này nếu được tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng một cách hiệu quả sẽ mang lại nhiều ý nghĩa đối với việc nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công tác của các cá nhân, đơn vị và đóng góp cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Tuy nhiên, những thông tin, kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế chưa được tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng một cách có hiệu quả.

Những kết quả quan trọng trong thực hiện cam kết quốc tế, các chương trình hợp tác quốc tế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua chưa được tập hợp, quản lý và phổ biến một cách thường xuyên, liên tục.

Sự tham gia, vai trò và trách nhiệm của các cá nhân thụ hưởng từ hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa thực sự rõ nét, tích cực, sự phối hợp của các cơ quan tham mưu, cơ quan phối hợp còn thiếu đồng đều, chặt chẽ nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

“Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò, vị trí cũng như việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành Thanh tra Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại. Thực tiễn đó đòi hỏi chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ phải không ngừng được nâng cao; các thông tin, kết quả đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế phải được tiếp cận, khai thác, ứng dụng và phổ biến sử dụng triệt để để tăng cường hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan”, ThS. Lưu Thị Ngọc Vân khẳng định.

Với mục tiêu nghiên cứu là đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới, đề tài sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho những giải pháp tổng thể nhằm mục đích nâng cao vai trò, hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ; kết quả nghiên cứu của đề tài với đề xuất kiến nghị sẽ đóng góp trực tiếp ngay vào việc sửa đổi, bổ sung Quy chế Hoạt động đối ngoại của Thanh tra Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-TTCP ngày16/6/2016 của Thanh tra Chính phủ); đồng thời, có thể sử dụng như tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu.

Để đổi mới công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ, ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị nâng cao chất lượng thông tin, sản phẩm hợp tác quốc tế thông qua việc tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế.

Trước tiên, bắt đầu với việc đổi mới công tác hợp tác quốc tế trong việc lựa chọn đối tác có năng lực, có uy tín, được đánh giá cao và có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vự thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ quan tâm, phù hợp với nhu cầu của Thanh tra Chính phủ, tránh chỉ tập trung vào hợp tác trong phòng, chống tham nhũng mà không chú trọng những lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, cần đổi mới trong công tác xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế bằng cách tăng cường phối hợp và sự tham gia của các cục, vụ, đơn vị trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, tìm hiểu nhu cầu của các đơn vị này đối với nội dung, lĩnh vực của thông tin, kết quả hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của đơn vị, Vụ Hợp tác Quốc tế xây dựng kế hoạch hoạt động để phát triển các mối quan hệ hợp tác, hoạt động hợp tác theo hướng đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng các nhu cầu của các bên liên quan về nội dung thông tin, kết quả hợp tác quốc tế cần tiếp cận khai thác, phổ biến, ứng dụng…

Đánh giá tại hội nghị nghiệm thu, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng, đây là đề tài rất cần thiết nghiên cứu, hiện chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Ban chủ nhiệm đã luận giải, làm rõ các khái niệm có liên quan đến hợp tác quốc tế; làm rõ mục đích, nội dung việc tiếp cận, khai thác thông tin; làm rõ thực trạng, trong đó có đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; Chương III đã đưa ra 4 nhóm giải pháp toàn diện.

Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, nhằm giúp Thanh tra Chính phủ định hướng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, đưa ra giải pháp tổng thể để đổi mới toàn diện công tác tiếp cận, khai thác cũng như ứng dụng phổ biến kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Với kết quả nghiên cứu của đề tài, hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Thái Hải