Đó là những luận cứ của do ThS. Vũ Đức Hoan, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đưa ra khi nghiên cứu đề tài khoa học “Kiểm soát xung đợt lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Theo Chủ nhiệm đề tài, trên thực tế, vấn đề khiếu nại và tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập. Mặc dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực với nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp đã được giải quyết, nhưng nhìn chung tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp,

Dưới góc độ lý thuyết và thực tiễn pháp lý đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong đó có hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc quy định cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính cũng chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là một tình huống xung đột lợi ích cần được kiểm soát, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hiện tượng “cả họ làm quan” nổi lên gần đây ở nhiều địa phương là một thách thức nghiêm trọng cho người dân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

“Liệu những quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có đảm bảo tính khách quan, đúng đắn khi mà người bị tố cáo, khiếu nại lại là người thân thích của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo? Hoặc người bị khiếu nại, tố cáo lại chính là người được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đề bạt, bổ nhiệm trước đây?”, ông Hoan đưa ý kiến.

Ông Hoan cũng khẳng định: Đây chính là một trong những tình huống xung đột lợi ích điển hình mà pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã không dự liệu, tạo ra những khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, không bảo đảm nguyên tắc khách quan, dân chủ thời gian qua.

Vì vậy, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có cơ chế cho phép các chủ thể liên quan được khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xung đột lợi ích. Thông qua cơ chế này, Nhà nước có thể phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xung đột lợi ích, còn các đối tượng liên quan có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình thông qua việc khiếu kiện với các cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của các quốc gia thường bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; cơ chế xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực tiễn cho thấy, khuôn khổ pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của nước ta nói chung và kiểm soát xung đột lợi ích trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa hoàn thiện. Xét trên phương diện pháp lý, mặc dù đã có một số quy định có liên quan đến xung đột lợi ích trong một số đạo luật như Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Cán bộ, công chức…

Song những quy định về vấn đề này trong pháp luật Việt Nam hiện còn rời rạc, tản mát, nhiều quy định còn thiếu cụ thể, rõ ràng và khả thi. Trong khi đó, theo một nghiên cứu khảo sát do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện vào năm 2015, các tình huống xung đột lợi ích xảy ra khá phổ biến, đa dạng và có nguy cơ trở thành “thông lệ” trong hoạt động công vụ ở nước ta.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tới những bất cập, hạn chế của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nước ta là do vấn đề này còn tương đối mới, hiện còn thiếu những nghiên cứu chuyên sâu. Mặc dù vậy, vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ đã được đề cập trong một số công trình nghiên cứu và văn bản pháp luật của nước ta. Song vẫn còn nhiều khía cạnh lý luận, pháp lý, thực tiễn về xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết thấu đáo”- ThS. Vũ Đức Hoan cho biết.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu là đề xuất các giải pháp, nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đề tài triển khai 3 nội dung: Lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thực trạng pháp luật và thực tiễn kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; Định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí quan điểm cho rằng, xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tình huống khách quan mà ở đó các chủ thể có thầm quyền trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo khi đưa ra một quyết định, hành động có khả năng hoặc bị tác động một cách tiêu cực bởi các lợi ích cá nhân của họ, làm ảnh hưởng tới tính đúng đắn của quyết định và hành động.

Do vậy, biểu hiển rõ nhất trong nhận diện xung đột lợi ích là việc bảo vệ lợi ích của cơ quan mình; việc xung đột lợi ích trong giải quyết khiếu nại, tố cáo xảy ra ngay từ giai đoạn đầu là giải quyết khiếu nại, tố cáo lần một, vì vậy, tại Chương II về thực trạng pháp luật và thực tiễn kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề tài cần có số liệu phân tích các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sai, trái pháp luật được phát hiện và một số vụ việc tiêu biểu về xung đột lợi ích trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo lần một.

Hơn nữa, để đề tài có tính thực tiễn hơn trong việc hoàn thiện pháp luật nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề tài nên đưa ra những giải pháp có tính cụ thể hơn trong việc tổng kết thực tiễn pháp luật, sửa đổi những quy định không phù hợp hoặc còn thiếu, tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan và hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thái Hải