Theo Chủ nhiệm Đề tài, tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ có chức quyền để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản Nhà nước, doanh nghiệp sân sau vẫn đang là những vấn đề nóng, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Tham nhũng đã tập trung ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm: Xây dựng, ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải… như lời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: Có hiện tượng tham nhũng trong DNNN, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau. Hiện tượng DNNN giấu lỗ, báo lãi không trung thực là hành vi đa số trong việc làm thất thoát vốn và tài sản mà các DNNN gây ra.

Xuất phát từ thực tế trên, đề tài nghiên cứu hướng đến việc đề xuất một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chính sách và thúc đẩy DNNN nâng cao hiệu quả kiểm soát nội bộ nằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Theo đó, đề tài được thiết kế gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề chung về kiểm soát nội bộ DNNN nhằm phòng, chống tham nhũng; Chương 2: Thực trạng kiểm soát nội bộ DNNN nhằm phòng, chống tham nhũng; Chương 3: Giải pháp nâng cao kiểm soát nội bộ DNNN nhằm phòng, chống tham nhũng.

Cho ý kiến vào đề cương nghiên cứu, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần làm rõ một số vấn đề sau: Thứ nhất, đề xuất các giải pháp (phần kiến nghị nên được xây dựng riêng thành một mục) hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp; thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn về kiểm soát nội bộ DNNN nhằm phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, đề tài cũng cần làm rõ nội hàm về kiểm tra và kiểm soát để tránh trùng lặp.

Về các nội dung nghiên cứu, Chương 1: Bổ sung tình hình nghiên cứu liên quan về kiểm soát nội bộ DNNN. Nội dung nghiên cứu tiếp cận theo các nội dung về hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả kiểm soát nội bộ kiếm soát nội bộ DNNN nhằm phòng, chống tham nhũng. Chương 2: Bổ sung thực trạng quy định pháp luật (Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp).

TS Cung Phi Hùng chia sẻ thêm, đề tài cần có sự phân tích, đánh giá về hoạt động thực tiễn về kiểm soát nội bộ DNNN trong thời gian vừa qua; đánh giá về tình trạng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của quy định pháp luật, những bất cập của quy định của pháp luật, lỗ hổng của pháp luật.

Chương 3: Đưa ra giải pháp về hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, mục tiêu nghiên cứu của đề tài cần đề cập đến thực tiễn về kiểm soát nội bộ DNNN để thấy được đặc thù của DNNN Việt Nam.

Theo đó, cần chỉ ra một số thiết chế mang tính điển hình về mô hình kiểm soát nội bộ doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay gồm: Đảng; ban kiểm soát; ban thanh tra và bảo vệ nội bộ, kiểm toán nội bộ; thanh tra nhân dân; hội đồng thành viên, lãnh đạo tập đoàn. Nội dung nghiên cứu cần nhấn mạnh vào các trụ cột: Kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong phần kinh nghiệm quốc tế, đề tài cần đề cập trực tiếp tới quy tắc ứng xử mẫu của tập đoàn kinh tế trên lớn trên thế giới (Universe) do đây chính là công cụ kiểm soát nội bộ doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ở Việt Nam hiện nay đang có sự nhầm lẫn về khái niệm kiểm soát nội bộ. Theo đó, kiểm soát nội bộ chính là đối tượng phục vụ chủ sở hữu, do vậy, tiêu chí về năng lực, động lực do chủ sở hữu quyết định.

“Đề tài nên xem xét, liệu có nên phân biệt vai trò của DNNN và doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trong xu thế cổ phẩn hóa hiện nay. Việc phân biệt này sẽ phát sinh ra vùng xám (nhiệm vụ chính trị xã hội an sinh và an ninh)”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mặt khác, ở Chương 2, cần tiếp cận theo các nội dung: Thứ nhất, định vị vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ; thứ hai, vai trò, năng lực của kiểm soát nội bộ; thứ ba, cơ chế quản lý và đánh giá kiểm soát nội bộ.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, hiện chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ, theo đó mô hình kiểm soát nội bộ chỉ được áp dụng tại những tập đoàn lớn có yếu tố đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở ý kiến của ông Tuấn Anh, bà Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, Viện CL&KHTT lại cho rằng, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài cần tiếp cận theo hướng kết hợp giữa quản trị mục tiêu và quản trị quá trình.

Theo đó, kiểm soát nội bộ không chỉ hướng vào việc phục vụ chủ sở hữu mang lại hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà cần có sự kết hợp với quá trình thực thi kiểm soát nội bộ của hệ thống.

Kết thúc hội thảo, TS Phạm Thị Huệ cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo và cho biết đây là những đóng góp quan trọng giúp Ban Chủ nhiệm Đề tài hoàn thiện các nội dung nghiên cứu.

Thái Hải