Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực của cơ quan thanh tra

Theo thông báo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự án luật quy định về tổ chức, hoạt động của thanh tra Nhà nước.

Cơ quan thường trực của Quốc hội cơ bản tán thành giữ mô hình hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra 3 cấp như hiện hành gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, lập luận đầy đủ, thuyết phục nội dung còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức thanh tra huyện để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng chống tiêu cực của cơ quan thanh tra để thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định trong luật về việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành ở một số cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước. 

“Việc thành lập các cơ quan thanh tra này phải bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ, sở, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành”, thông báo nêu rõ và yêu cầu nghiên cứu quy định cụ thể trong luật về tiêu chí, nguyên tắc thành lập các cơ quan thanh tra này, đồng thời, phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra. 

Quy định cơ chế, quy trình ban hành kết luận thanh tra 

Để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra, kế hoạch hoạt động của kiểm toán Nhà nước.

Điều này nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm toán có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm từng cơ quan thực hiện hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ lẫn nhau và sử dụng kết quả của nhau trong những trường hợp cần thiết.

Nội dung lớn nữa là cần phân định rõ trách nhiệm giữa thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, bảo đảm từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh can thiệp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra. 

“Quy định cơ chế, quy trình thủ tục ban hành kết luận thanh tra bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng thực tế thanh tra”, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Xây dựng chuẩn mực thanh tra

Ngoài ra, nghiên cứu, bổ sung trong luật quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch. 

Làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác, bảo đảm phù hợp với tính chất của Luật Thanh tra là đạo luật “gốc” về thanh tra theo hướng quy định những nội dung phải thực hiện theo Luật Thanh tra, những nội dung nào cụ thể các luật chuyên ngành có thể quy định khác Luật Thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định. 

Hồ sơ dự án luật sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Pháp luật để thẩm tra trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Trước đó, chiều ngày 18/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng, thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đầy đủ, đáp ứng yêu cầu đề ra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hình thức thanh tra thì chỉ còn quy định 2 hình thức gồm: Thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, cần phân biệt rõ “hình thức thanh tra” và “hoạt động thanh tra” để có cách thể hiện trong luật phù hợp, chính xác.

Cùng với đó, quy định theo hướng có một số bước cơ bản áp dụng chung cho cả hai loại hình hoạt động thanh tra (thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành); quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Điều này để vừa bảo đảm cho hoạt động thanh tra thực hiện chính quy, bài bản, chuyên nghiệp, vừa phù hợp với đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra, phân biệt giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.  

Hương Giang