Tự do tôn giáo ở Việt Nam: Sự thật không thể xuyên tạc

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng.

Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).

Ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ… các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú.

Theo các quy định pháp luật như Hiến pháp năm 2013 (Điều 24), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị về tín ngưỡng, tôn giáo giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau hay không có tín ngưỡng, tôn giáo… Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.

Đặc biệt, với chủ trương hội nhập quốc tế rộng mở, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc, học tập và sinh sống, trong đó có một bộ phận tín đồ tôn giáo. Với người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, họ được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua đã làm phong phú thêm sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam - là một minh chứng rõ ràng Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

Thực sự, tự do tôn giáo ở Việt Nam là sự thật không thể xuyên tạc. Những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là vô căn cứ. Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân... Chính sách đó đã luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định và thực hiện nhất quán. Điều này hoàn toàn phù hợp với khoản 3, Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

leftcenterrightdel
 Tín đồ người nước ngoài cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Al Noor, 12 Hàng Lược, Hà Nội. Nguồn: VOVTV

Tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo chính đáng tại Việt Nam: Kết hợp lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo dành 1 mục với 7 điều quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, trong đó điểm mới tiến bộ là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo; người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị…

Tại cuộc gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam, hồi tháng 4/2021, các chức sắc, đại diện điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam đã thừa nhận, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam của các hội nhóm.

TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, khi chia sẻ với báo chí cũng cho biết, hầu hết người nước ngoài được tham gia sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam đều bày tỏ sự phấn khởi, hào hứng. Nhiều người nước ngoài khi mới sang Việt Nam làm việc, sinh sống, cảm thấy khó khăn để tìm thấy nơi sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt tìm nơi có ngôn ngữ họ hiểu. Khi được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tập trung, bày tỏ đức tin, đáp ứng nhu cầu tâm linh, họ thêm gắn bó, yêu Hà Nội, yên tâm sinh sống học tập, lao động, làm việc.

Tuy nhiên, TS Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng, trước những biến đổi của đời sống tôn giáo dưới tác động của xu hướng quốc tế hóa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những quan điểm, chính sách phù hợp nhằm phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực. Ban Tôn giáo Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài; thống nhất việc quản lý các nhóm người nước ngoài và có quy trình chung về thành phần, hồ sơ, điều kiện cần và đủ để các nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, tránh trường hợp mỗi tỉnh, thành phố áp dụng một quy trình khác nhau.

Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về hoạt động đối ngoại. Bổ sung việc quản lý sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam trong chính sách về hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo của người nước ngoài.

Các tổ chức tôn giáo cũng như đội ngũ chức sắc, tín đồ tôn giáo Việt Nam cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, hòa đồng nhưng không hòa tan, nâng cao ý thức công dân, cảnh giác với các thế lực thù địch, yếu tố nước ngoài hòng lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây mất trật tự an ninh - xã hội. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi cho các tôn giáo phát triển; ngược lại, các chủ thể tôn giáo cũng cần nhìn nhận được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, kết hợp lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc, qua đó góp phần phát triển tôn giáo, đồng thời tạo ra động lực phát triển xã hội.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được đánh giá đã tạo thuận lợi cho hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện tốt hơn để chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy việc đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Hồng Sâm