Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa gồm 16 thành viên, do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tham gia Ban Chỉ đạo có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Thành ủy, UBND thành phố Thanh Hóa và Huyện ủy, UBND huyện Đông Sơn.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án Sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 8 năm 2022.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án.

Ban Chỉ đạo được quyền chỉ định một số cán bộ, chuyên viên từ các cơ quan, đơn vị thành viên tham gia Tổ giúp việc.

Đông Sơn là một huyện đồng bằng châu thổ sông Mã, nằm ở trung tâm của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 5 km về phía tây. Được kiến tạo trên một địa hình tương đối ổn định, có cảnh quan rất đẹp và hài hòa, đất đai màu mỡ phì nhiêu, có hệ thống sông đào Nhà Lê, sông Hoàng, kênh Bắc và trên 200 ha ao hồ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có hệ thống núi đá vôi xen kẽ với nhiều chủng loại trữ lượng tương đối lớn và nguồn đất sét tốt tạo điều kiện cho việc phát triển ngành vật liệu xây dựng, chế tác đá và sản xuất gốm sứ. Từ ngàn xưa đã xuất hiện nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như nghề làm đồ đá, khắc chạm đá mỹ nghệ, đúc đồng, làm gốm… nổi tiếng gần xa. Sản phẩm từ đá của Đông Sơn không chỉ tham gia vào nhiều công trình thế kỷ Cố đô Huế, tượng đá ở núi Ngũ Hành Sơn, Lăng Bác... mà còn vươn ra thị trường thế giới. Tiềm năng đất đai và con người, tạo cho Đông Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể huyện Đông Sơn đã có sự phát triển vượt bậc về mặt kinh tế xã hội, an ninh chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng. Đặc biệt, trong lĩnh vực quy hoạch phát triển giao thông, hạ tầng, đô thị huyện Đông Sơn là đơn vị đi đầu trong thi công các tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối các xã, thị trấn, huyện, thị, thành phố và thực hiện quy hoạch nhiều khu dân cư, đô thị mang tầm vóc hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện tại và tương lai.

Theo Dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển  thành phố Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu chung là xây dựng, phát triển  thành phố Thanh Hóa toàn diện, nhanh và bền vững; trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Thanh; xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; phấn đấu đến năm 2030 là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đạt 180.000 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 10.660 triệu USD; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2025 đạt 95%, trong đó trường chuẩn quốc gia mức độ II đạt 42%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế/tổng số dân năm 2025 đạt 95%...

Giai đoạn 2026-2030 (trên cơ sở sáp nhập huyện Đông Sơn vào  thành phố Thanh Hóa), tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18%; thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 230 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 đạt 254.000 tỷ đồng; tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao năm 2030 đạt 100%; tỷ lệ phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2030 đạt 53%...

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm, giải pháp chủ yếu về kinh tế; văn hoá - xã hội, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong mỗi lĩnh vực đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Đơn cử, ở lĩnh vực kinh tế nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung phát triển 6 trung tâm gồm 12 khu vực để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế…

Văn Thanh