Tại cuộc họp, Tổ Biên tập đã tập trung thảo luận đề cương về cơ cấu tổ chức Thanh tra Chính phủ và thanh tra địa phương; hoạt động thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn, điều kiện của thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra; tiêu chuẩn, điều kiện của chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, trưởng, phó phòng trong các cơ quan Nhà nước.

Theo đó, đại diện Tổ Biên tập cho biết, mô hình chung cho các cơ quan thanh tra Nhà nước trên tinh thần chung là thiết lập lại hệ thống các cơ quan thanh tra chỉ bao gồm 3 cơ quan thanh tra; hoạt động thanh tra được tiếp cận theo hướng tập trung thanh tra công vụ hành chính (giám sát hành chính).

Thanh tra chuyên ngành chỉ thực hiện với những quy mô tương đối lớn, nội dung phức tạp hoặc trong trường hợp hoạt động kiểm tra hành chính không thể đáp ứng được yêu cầu quản lý quản lý.

Mặt khác, không quy định các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ tổ chức lại theo hướng giao về các bộ, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Quy định về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực cụ thể sẽ quy định trong các luật chuyên ngành.

Ngoài ra, sẽ thành lập cơ quan thanh tra ở một số huyện, một số sở và thanh tra sở. Một số lĩnh vực quan trọng, xẩy ra nhiều vi phạm thời gian qua như xây dựng, tài nguyên môi trường... nếu việc kiểm tra không đáp ứng yêu cầu của quản lý thì tiến hành thanh tra. Việc thanh tra sẽ do thanh tra tỉnh thực hiện.

Mặt khác, ngoài thanh tra bộ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của cơ quan có chức năng theo yêu cầu của Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Một số cục có thanh tra chuyên ngành có thể đổi tên thành giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực đó. Đây là các hoạt động chuyên môn...

Về các cơ quan thanh tra Nhà nước thì vừa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Trong đó Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; thực hiện quyền thanh tra theo quy định của pháp luật.

Thanh tra bộ; tổng cục vừa tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra tỉnh là cơ quan của Chính phủ, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng trong phạm vi của tỉnh; thực hiện quyền thanh tra theo quy định của pháp luật. Chánh thanh tra tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra sở và thanh tra huyện thì chỉ tổ chức tại một số sở hoặc địa phương có yêu cầu về quy mô quản lý lớn mà mức độ phát hiện, xử lý qua kiểm tra, xử phạt không đạt yêu cầu; cần phải tiến hành thanh tra để đáng giá chính sách, pháp luật hoặc đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm.

Kết luận cho nhóm cơ quan thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh yêu cầu Tổ Biên tập cần làm rõ, chi tiết nhiều nội dung liên quan về chức năng, thẩm quyền, đối tượng của cơ quan thanh tra. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ như luật hiện hành, đối tượng như cũ.

Đối với thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cục (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) theo thẩm quyền thì vẫn kiểm tra nội bộ để kiểm soát nội bộ. Thanh tra sở nên tập trung ở một số sở như: Y tế, tài nguyên, xây dựng.

Thanh tra tỉnh giữ như luật hiện hành, mở rộng ra một số lĩnh vực và có thể cho quyền xử phạt.

Đối với thanh tra huyện, theo Phó Tổng Thanh tra có 2 phương án: Chỉ có thanh tra tỉnh, không có thanh tra huyện; phương án 2 là chỉ có ở một số huyện.

Về hoạt động thanh tra chuyên ngành, thì vẫn cần quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành. Các cơ quan thanh tra Nhà nước đều có thẩm quyền tiến hành thanh tra chuyên ngành.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện ở lĩnh vực quản lý quy mô tương đối lớn hoặc nhiều đối tượng (thanh tra chuyên đề diện rộng) hoặc các vụ việc phức tạp mà thẩm quyền kiểm tra và xử lý hành chính theo pháp luật chuyên ngành không đáp ứng được yêu cầu của quản lý.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo đoàn thanh tra. Không còn hình thức thanh tra viên hoặc công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành được thực hiện bằng hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Chủ yếu nên là thanh tra đột xuất.

Đối với vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra kết luận, Luật Thanh tra quy định trình tự thủ tục thanh tra chuyên ngành. Nên có 1 chương nguyên tác áp dụng Luật Thanh tra cho một số cơ quan đặc biẹt như bảo hiểm xã hội.

Hình thức thanh tra vẫn theo kế hoạch hoặc đột xuất. Thanh tra kế hoạch ở một số nội dung, lĩnh vực có vấn đề, cần đánh giá vĩ mô hoặc vụ việc lớn, Chính phủ phủ giiao. Việc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu hoặc yêu cầu.

Theo Phó Tổng Thanh tra, thanh tra theo kế hoạch chỉ là định hướng lớn, chủ yếu phải dành cho thanh tra đột xuất...

Thái Hải