Giám định trong hoạt động thanh tra là việc người giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận những vấn đề chuyên môn, kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thanh tra theo trưng cầu của người làm ra quyết định thanh tra hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định nhằm cung cấp các căn cứ cho việt kết luận của các cơ quan thanh tra.

Theo Luật Thanh tra hiện hành quy định người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra (Điều 48, Điều 55), nhưng pháp luật về thanh tra lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên trưng cầu và thực hiện giám định, cũng như xác định tổ chức, cá nhân nào thực hiện giám định. Vì vậy, việc trưng cầu giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra gặp rất nhiều khó khăn.

Điều 38 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định về trưng cầu giám định như sau: “Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định”.

Mặc dù pháp luật đã có quy định về mặt pháp lý nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ về căn cứ giám định, người giám định, trách nhiệm của các bên trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định; chưa làm rõ về trình tự thủ tục, thời hạn giám định, gia hạn giám định, vấn đề giám định lại, giám định nhiều lần trong một vụ việc; chưa làm rõ việc xử lý xung đột về kết luận giám định… nên hiệu quả của hoạt động giám định trong quá trình thanh tra còn hạn chế.

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng, do nhận thức về giám định trong hoạt động thanh tra còn hạn chế; việc xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến giám định trong hoạt động thanh tra vẫn còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về giám định trong hoạt động thanh tra.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, người ra quyết định thanh tra trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra còn chưa được ưu tiên thực hiện; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra;

Việc tổng kết thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra chưa được chú trọng; công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra và người giám định giám định trong hoạt động thanh tra còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc;

Công tác tuyên truyền pháp luật, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám định trong hoạt động thanh tra còn chưa được chú trọng; lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định nói chung, giám định ngoài tố tụng nói riêng chưa được bảo đảm; kinh phí cho việc trưng cầu và thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra chưa được bảo đảm.

Để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra, theo Ban Chủ nhiệm thời gian tới, phải tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người ra quyết định thanh tra và Đoàn thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra nói chung và nâng cao chất lượng, giá trị của kết luận thanh tra nói riêng.

Cần bổ sung Luật Giám định tư pháp quy định về nguyên tắc: Trường hợp cơ quan thanh tra trưng cầu giám định thì tổ chức giám định tư pháp được áp dụng các quy định của Luật Giám định tư pháp về tiếp nhận và thực hiện giám định và trong trường hợp này, kết luận giám định không phải là kết luận giám định tư pháp.

Quy định rõ căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, đó là phải chỉ ra được các dấu hiệu cụ thể, trong những tình huống, trường hợp cụ thể phải trưng cầu giám định, chẳng hạn như: Khi xét thấy những nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận mà Đoàn thanh tra không đủ điều kiện, chuyên môn, kỹ thuật để kết luận như nghi vấn về giấy tờ giả mạo, về chất lượng công trình, hàng hoá, vật tư, thiết bị, tài chính, tiền tệ... thì trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định…

Quy định về người giám định ngoài tố tụng, tổ chức giám định ngoài tố tụng, theo hướng phân biệt rõ trách nhiệm của tổ chức giám định ngoài tố tụng theo khối công và khối tư, người giám định ngoài tố tụng thuộc khối công và khối tư (thực hiện theo thỏa thuận); quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc lập và công bố danh sách người giám định ngoài tố tụng, tổ chức giám định ngoài tố tụng để phục vụ giải quyết các vụ việc trong quá trình thanh tra…

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá cao sự chuẩn bị của đề tài và cho rằng, đây là một vấn đề cần thiết với ngành Thanh tra. Đề tài đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra được nguyên nhân hạn chế, đưa ra được những giải pháp có giá trị ứng dụng cao về hoàn thiện pháp luật.

Đại biểu đề xuất, đề tài bổ sung những yếu tố ảnh hưởng đến giám định trong hoạt động thanh tra; thực trạng pháp luật về giám định…

Đề tài cũng nên lược bỏ một số nội dung ở Chương 2, vì chưa liên quan nhiều đến nội dung đề tài; có thể cân nhắc đưa ra khái niệm giám định hành chính để làm giá trị khoa học của đề tài cao hơn

Ngoài ra, theo các đại biểu, Ban Chủ nhiệm nên có báo cáo kết quả nghiên cứu với Tổng Thanh tra để đề xuất hoàn thiện thể chế.

 

Thái Hải