Hiện nay, truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Trước bối cảnh phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các phương tiện truyền thông xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ với tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng, hoạt động truyền thông của cơ quan Nhà nước đứng trước thách thức lớn của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, gia tăng tương tác đảm bảo tốc độ truyền tải và chủ động xử lý với những khủng hoảng truyền thông, từ đó trấn an hoặc định hướng dư luận; gia tăng niềm tin của người dân với chính quyền, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện khá tốt những đổi mới này như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chính Minh, Bộ Y tế… đã có những kế hoạch cụ thể cho hoạt động truyền thông hàng năm, đổi mới phương thức truyền thông… để phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó, TTCP chưa có nhiều động thái trong vấn đề này. Đặc biệt là khi TTCP có chức năng quản lý Nhà nước và thực hiện hoạt động phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, những lĩnh vực nhạy cảm và có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, rất cần tới sự hỗ trợ của công tác truyền thông.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Nga, mục tiêu cụ thể của đề tài làm rõ những vấn đề cơ bản về truyền thông (khái niệm, bản chất, đặc điểm; nội dung, phương thức, vai trò, ý nghĩa và những yếu tố tác động, đảm bảo cho công tác truyền thông nói chung và của TTCP nói riêng; đặc thù công tác truyền thông của TTCP. Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về hoạt động truyền thông và thực tiễn công tác truyền thông của TTCP và đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới công tác truyền thông của TTCP thời gian tới.

Góp ý tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho rằng: Truyền thông Chính phủ hiện nay là một nhu cầu bức thiết, việc đào tạo ra đội ngũ làm truyền thông cũng là rất cần thiết. Để truyền thông mạnh, chúng ta đã bắt đầu có những động thái ban đầu. Hoạt động truyền thông của TTCP chưa tương xứng với nhiệm vụ mà TTCP đảm nhận. Đề tài sẽ có giá trị thực tiễn đối với TTCP.

“Kết cấu của các chương là khá hơp lý. Chương I, bổ sung thêm điểm truyền thông trong thời đại 4.0 vì truyền thông 4.0 nhiều hơn Internet. Thời gian qua, thông qua đại dịch Corvid, truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng”, vị đại diện này chia sẻ.

Theo ông Cường, đặc điểm truyền thông của TTCP cần đề cập tới truyền thông của Chính phủ Việt Nam, trong đó nêu đặc thù, đặc điểm, hạn chế; làm rõ những lợi ích mà truyền thông đem lại cho quản lý Nhà nước; vai trò của các cơ quan truyền thông của TTCP.

Trong kinh nghiệm đổi mới truyền thông của một số cơ quan Nhà nước nói chung và của Bộ Y tế nói riêng, theo ông Cường, Ban Chủ nhiệm nên bổ sung thêm kinh nghiệm của một số cơ quan như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Qua kinh nghiệm của họ, ta có thể đưa ra được vấn đề; xem xét thêm kinh nghiệm nước ngoài của Nga, Trung Quốc.

Trong Chương III, Ban Chủ nhiệm cần nhấn mạnh đến cam kết của Lãnh đạo TTCP đối với công tác truyền thông; cộng tác viên nghiên cứu cần bổ sung thêm những cán bộ làm công tác truyền thông.

Đồng quan điểm của ông Cường, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thanh tra đưa thêm ý kiến, Ban Chủ nhiệm nên bổ sung một số quy định của TTCP, ví dụ Quy chế phát ngôn. Về phần giải pháp cần chủ động giải quyết các vấn đề như sự cố khủng hoảng truyền thông đặt ra. Bên cạnh đó, đề tài cần đánh giá đúng hoạt động truyền thông của ngành mình. Mặt khác, TTCP cần có sự tương tác cởi mở hơn với truyền thông.

Bà Trần Thanh Phương, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, ở đề tài này, rất cần thiết đưa một quy chế hoặc thông tư về vấn đề truyền thông để thuận tiện cho việc triển khai đề tài. Đồng thời, nên khái quát vấn đề truyền thông nội bộ. Phần thực trạng công tác truyền thông đã đề cập sâu hơn tới căn cứ pháp lý.

Bà Trần Thị Khánh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển nhấn mạnh, việc nghiên cứu vai trò của truyền thông Nhà nước là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Hòa, trước tiên, cần đưa ra thế nào là truyền thông Nhà nước? Đây là một đề tài rất tốt, rất mới mẻ ở thời điểm hiện tại, vì thế, trong phần tính cấp thiết cần phải nhấn mạnh đây là những nghiên cứu đầu tiên. Bộ máy của truyền thông Nhà nước hiện nay rất khác nhau. Hiện nay, phần lớn là kiêm nhiệm, nằm chủ yếu ở văn phòng. Hiện nay, chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước là có cơ quan chuyên trách.

“Các mục trong đề tài là đã đủ nhưng cần làm giàu thêm về mặt nội dung. Ban Chủ nhiệm nên tham khảo các mô hình tại các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh”, bà Hòa nhấn mạnh.

Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Đề tài khẳng định, Ban Chủ nhiệm sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài.

Thái Hải