Th.S Lê Thị Thúy cho biết, hiện nay tham nhũng ở nước ta diễn ra phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo...

Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn, thi hành cũng đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung, là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những văn bản này đã đưa ra hàng loạt giải pháp và quy định cụ thể để thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trong đó, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được coi là một trong những giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định đến công tác phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thiết kế thành một mục riêng gồm 24 điều luật.

Tuy nhiên, trải qua quá trình triển khai thực hiện, giải pháp chính sách này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác dụng phòng, ngừa tham nhũng không cao. Đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập quá rộng nên khó kiểm soát, quy định về loại, giá trị, phạm vi của tài sản, thu nhập kê khai, việc công khai tài sản, thu nhập chưa hợp lý, thiếu cơ chế để kiểm soát được việc kê khai có trung thực không, tài sản họ có được có phải từ tham nhũng hay không, quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng cũng còn nhiều bất cập, chính sách trả lương qua tài khoản chưa đủ để kiểm soát các dòng tiền chi tiêu trong khu vực công, chưa có tác dụng cao trong phòng ngừa tham nhũng…

“Việc triển khai thực hiện các biện pháp này trên thực tế cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như công khai bản kê khai còn mang tính hình thức, ít tác dụng phòng ngừa tham nhũng, việc kiểm soát tính trung thực của bản kê hầu như chưa thực hiện được; việc kê khai, nộp lại quà tặng hầu như chưa được thực hiện, phương thanh toán dùng tiền mặt vẫn là chủ yếu nên khó có thể kiểm soát được các giao dịch liên quan đến tham nhũng…”, ThS. Thúy nhấn mạnh.

ThS.Thúy cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không chỉ phụ thuộc vào những quy định pháp lý trực tiếp như kê khai, xác minh tài sản thu nhập mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác.

Với những lý do trên việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Điều kiện bảo đảm kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn” là cần thiết.

Đề tài sẽ luận giải các vấn đề lý luận, chính trị, pháp lý, thực tiễn để từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện các điều kiện đảm bảo cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị thuyết minh. Ảnh: TH 

Cho ý kiến tại Hội đồng, ông Trần Đăng Vinh, quyền Vụ trưởng, Phụ trách Báo Thanh tra đánh giá đề tài hay và khó, thuyết minh được chuẩn bị công phu. Ban Chủ nhiệm cần đưa ra điều kiện đảm bảo phải tương ứng với đặc điểm kiểm soát tài sản thu nhập.

Ông Vinh cũng lưu ý, điều kiện đảm bảo rất rộng nên Chủ nhiệm đề tài phải đầu tư nghiên cứu nghiêm túc về cơ chế, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực.

Tại Chương 1: Xây dựng cơ sở lý luận của các điều kiện đảm bảo nên nghiên cứu các đặc điểm cách thức và bản chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập mới xây dựng được điều kiện đảm bảo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Hội đồng Thuyết minh cũng cho rằng, đây là đề tài khó, cần khuôn hẹp lại nội dung nghiên cứu, lựa chọn theo hướng nào để đảm bảo được sâu. Đồng thời, nên nghiên cứu giải pháp liên quan đến công nghệ 4.0 mang tính đột phá.

Về mục tiêu nghiên cứu cần tập trung làm rõ những điều kiện đảm bảo cho việc kiểm soát, công khai, minh bạch về tài sản thu nhập. Nội dung nghiên cứu cần có trọng tâm, trọng điểm…

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng khẳng định: Đây là đề tài rất cấp thiết trong tình hình hiện nay. Đề tài nên khuôn lại điều kiện đảm bảo cho cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập hoạt động được.

Ông Hùng cũng lưu ý trong bối cảnh không phát sinh tổ chức, không tăng biên chế, đề tài cần có giải pháp phù hợp. Yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập phải được thực thi.

Chủ tịch Hội đồng Thuyết minh - ông Đinh Văn Minh cơ bản đồng ý với thuyết minh đề tài. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu cần mở rộng đến các điều kiện đảm bảo như công nghệ 4.0, quyền tiếp cận thông tin. Đề tài cần làm rõ kiểm soát để làm gì, ai làm và làm như thế nào; chú trọng điều kiện đảm bảo kiểm soát thu nhập.

Ông Minh lưu ý, đây là đề tài nghiên cứu về điều kiện đảm bảo, không phải là biện pháp đảm bảo. Tên đề tài sẽ là “Điều kiện bảo đảm kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn”.

Với những kết quả đạt được, Thuyết minh Đề tài được Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt. Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa nội dung nghiên cứu theo góp ý của Hội đồng tại cuộc họp nhằm hoàn thiện nội dung thuyết minh.

Thái Hải