Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định người giúp việc một tháng được nghỉ 4 ngày và mỗi ngày được nghỉ 6 giờ liên tục. Những điểm mới được nêu ra đã thu hút sự chú ý của những người tham gia lao động là giúp việc và người sử dụng lao động. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và các chuyên gia đến hết ngày 27/7/2020 trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các khảo sát liên quan đến nhóm lao động là người giúp việc nhà gần đây cũng đã chỉ ra, gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi. Theo Luật sư Lê Nguyên Tuấn Anh, Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Tư vấn luật C.Law Việt Nam, Dự thảo nghị định này có nhiều điểm mới sẽ là một công cụ để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Cụ thể là người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ hàng tuần tính bình quân 1 tháng ít nhất có 4 ngày nghỉ và nghỉ ít nhất 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục. Thời gian nghỉ này như thế nào sẽ được chủ nhà và lao động tự thỏa thuận. 

Luật sư Lê Nguyên Tuấn Anh cho biết: “Dự thảo bổ sung thêm điều khoản hợp đồng lao động, hợp đồng lao động phải làm theo mẫu theo khoản 1 điều 21 của Bộ Luật Lao động. Trước hết là quy định liên quan tới mẫu hợp đồng giúp ích rất nhiều cho người lao độngđược bảo đảm quyền lợi thông qua mẫu hợp đồng mà cơ quan nhà nước đã định sẵn. Thứ hai là quy định rõ về thời giờ nghỉ ngơi về thời gian làm việc cụ thể, bình quân 1 tháng phải được nghỉ ít nhất 4 ngày hay là 6h liên tục trong vòng 24h. Đây là quy định mới, rất rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người lao động."

Cũng theo Luật sư Lê Nguyên Tuấn Anh, Dự thảo Nghị định liên quan tới người lao động là người giúp việc nhà lần này sẽ được quản lý chặt chẽ bởi UBND các cấp, có thể kiểm tra thanh tra kiểm soát đột xuất trong trường hợp có vấn đề gì xảy ra. Tất cả quy trình liên quan đến việc sử dụng lao động hay chấm dứt hợp đồng lao động đều có sự tham gia của cơ quan nhà nước, sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động hơn so với quy định tại Nghị định cũ./.  

Theo Kim Thanh/VOV.VN