Ngày 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nêu ý kiến, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, vừa rồi thông tin cho thấy, chỉ trong 7 tháng năm 2020 đã có 16.000 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Lúc đầu chỉ nghe các tỉnh biên giới, bây giờ thì nghe là đi sâu vào các tỉnh trong nội địa”, ông Giàu nói và bày tỏ rất hoan nghênh ngành Tư pháp đã chỉ đạo TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử 6 đối tượng môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, với mức phạt rất cao, 25 năm tù cho 6 bị cáo.

Về mặt xử lý hành chính, ông Giàu cho rằng, cần phải rà soát lại xem đã đủ răn đe hay chưa.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, hiện chưa có quy định về xử phạt hành chính các khu lưu trú, những người môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Do đó, rất cần bổ sung trong Dự án Luật này.

“Nếu hành chính chúng ta quy định đủ rõ, đủ cụ thể thì người trong nước sẽ hiểu và giảm dần việc môi giới hay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép lưu trú”, ông Giàu nhận định.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, các hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đã được quy định tại Nghị định 167 năm 2013 trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo ông Long, mức phạt tiền cho các hành vi này có thể lên tới 30 - 40 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất nhập cảnh Việt Nam trái phép. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền cũng bị mức phạt tương tự.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bên cạnh đó, cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định cũng bị phạt tới 2 triệu đồng. Người nước ngoài qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng.

“Ngoài mức phạt tiền thì có biện pháp bổ sung là tịch thu tang vật, trục xuất và các chế tài hình sự đã quy định trong Bộ luật Hình sự”, ông Long thông tin.

Chưa đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị áp dụng mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ biên giới và người lao động nước ngoài để nâng mức phạt đối với hành vi này lên 75 triệu.

Theo ông Giàu, vừa qua mới phát hiện và xử lý các hành vi môi giới, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhưng các khu lưu trú thì chưa rõ xử lý thế nào. Trong khi đó, Luật Du lịch quy định tới 8 loại hình lưu trú khác nhau.

“Luật Cư trú hiện nay mới chỉ quy định với người Việt Nam mà chưa quy định với người nước ngoài, trong khi đây là cái cực kỳ nguy hiểm”, ông Giàu nêu quan điểm và đề nghị cần nghiên cứu vấn đề này.

Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, từ đầu năm đến nay, có hơn 500 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại 27/63 địa phương trên cả nước.

Trong đó, An Giang có 44 trường hợp, Bắc Ninh 35 người, Đà Nẵng 78 người, TP Hồ Chí Minh 12 người, Lai Châu 36 người, Lạng Sơn 29 người, Quảng Ninh 126 người và Tây Ninh 32 người.

Từ tháng 6 đến nay, lực lượng Công an và các địa phương đã phát hiện 21 vụ với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, với 19 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Hương Giang