Tại buổi thuyết minh, bà Trần Lan Hương chia sẻ, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) có tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN. Trước hết, nó giúp nhận định chính xác quy mô, tính chất, mức độ, biểu hiện… của tình hình tham nhũng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác PCTN phù hợp với thực tế.

Qua đó còn giúp nhận định chính xác, đầy đủ hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN để từ đó tạo ra sức ép lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi chính sách, pháp luật về PCTN một cách đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả.

“Thông qua đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có được thông tin quan trọng về những vướng mắc, hạn chế của chính sách, pháp luật khi thực thi trên thực tế cũng như thấy được các yếu kém, thất bại của những giải pháp PCTN nhất định, từ đó tìm ra nguyên nhân và phương hướng điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Điều đó giúp cho nội dung chính sách, pháp luật về PCTN cũng như việc triển khai thực hiện luôn được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế, xem xét kịp thời trách nhiệm của các chủ thể liên quan để khắc phục tránh làm ảnh hưởng đến kết quả chung”, bà Hương khẳng định.

Theo bà Hương, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, từ người dân, doanh nghiệp cho đến các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, tổ chức Nhà nước. Mỗi chủ thể lại có cách thức đánh giá riêng phù hợp với đặc thù hoạt động, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình.

Các thông tin phản hồi thu được sau quá trình đánh giá cũng có những giá trị pháp lý khác nhau. Hệ thống này càng chặt chẽ, cách thức đánh giá được quy định càng rõ ràng, có tiêu chí đánh giá cụ thể thì càng đảm bảo tính khách quan trong các đánh giá chính thức của Chính phủ. Đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN cũng cần phải chú ý tới vai trò phản biện của xã hội để tăng thêm tính chính xác, khách quan. Và quan trọng là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tận dụng kết quả đánh giá để cải thiện chính sách, pháp luật và việc thực thi một cách kịp thời.

Mặt khác, việc đánh giá chính sách của cơ quan Nhà nước bằng con đường văn bản hành chính còn nhiều hạn chế. Các báo cáo làm nổi bật kết quả đạt được nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chưa được phân tích kỹ lưỡng. Báo cáo tổng kết công tác PCTN của Chính phủ qua các năm chưa phản ánh thật đầy đủ, toàn diện thực trạng công tác PCTN. Trong khi đó, các đánh giá về tình hình tham nhũng và công tác PCTN của các tổ chức quốc tế và tư nhân lại nhận được sự quan tâm và đồng tình khá lớn từ dư luận xã hội như Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI), Chỉ số PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam), Chỉ số Liêm chính toàn cầu, Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu, Chỉ số Quản trị toàn cầu… Các đánh giá của các tổ chức mang tính độc lập này được đánh giá khá cao về tính khách quan, các tiêu chí, nội dung đánh giá cũng rất chi tiết và phong phú.

Vì thế, theo bà Hương, việc nghiên cứu đề tài: “Đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở Việt Nam hiện nay” là cần thiết nhằm làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức thực hiện việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN ở Việt Nam hiện nay.

Góp ý cho thuyết minh, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục PCTN chia sẻ, đề tài là rất cần thiết, tuy nhiên, cần khoanh lại phạm vi đề tài, trong phạm vi của đề tài nên dừng lại ở việc đánh giá công tác PCTN, còn tình hình PCTN là rất khó, phức tạp, cần phải khảo sát mới khả thi.

Cùng ý kiến nên co lại phạm vi đề tài, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, thuyết minh đề tài hiện tài đã khá tốt, chỉ cần khoanh lại phạm vi là ổn; tên đề tài nếu được cần sửa lại, hiện tại có tận hai nội dung để làm, như vậy là khá nặng. Theo ý kiến ông Hùng, nên đánh giá công tác PCTN ở Việt Nam hiện nay. Đề tài chỉ cần giải quyết được 3 nội dung chính đó là: Hoàn thiện pháp luật; đề xuất bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN; đề xuất phương pháp đánh giá công tác PCTN.

Vào nội dung cụ thể, ông Hùng nhấn mạnh, đề tài cần làm rõ chủ thể (cơ quan có thẩm quyền đánh giá), đối tượng (cơ quan được đánh giá), sửa đổi luật là sửa đổi gì; tiêu chí đánh giá; phương pháp đánh giá? Chương 1: Điều kiện đảm bảo, kinh nghiệm một số nước đánh giá như thế nào để áp dụng vào Việt Nam; Chương 2: Thực trạng về chính trị, pháp lý, thực trạng tổ chức thực hiện việc đánh giá; đánh giá thực trạng khoanh lại chỉ đánh giá công tác PCTN (số lượng, tính chất, mức độ, vụ việc, vụ án; xây dựng chính sách pháp luật về PCTN, phòng ngừa tham nhũng; xử lý tham nhũng và thu hồi tham nhũng…); Chương 3: Gom lại 4 giải pháp, cũng là 4 kết quả của đề tài: Hoàn thiện pháp luật; đề xuất bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN; đề xuất phương pháp PCTN và tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng CL&KHTT đánh giá cao công tác chuẩn bị của bà Trần Lan Hương, thuyết minh chỉn chu về hình thức, nội dung rất sâu từ cách tiếp cận nội dung tới văn phạm, kỹ thuật tới ý tưởng.

Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt đề tài. Bên cạnh đó, đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa nội dung để hoàn thiện thuyết minh trước khi đưa vào triển khai thực hiện.

Thái Hải