Đó là thông tin được Ban Chủ nhiệm (BCN) Đề tài Khoa học cấp Bộ "Khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chợ: Thực trạng và giải pháp" do ThS Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương làm Chủ nhiệm cho biết tại hội thảo tổ chức vào ngày 1/10.

Giao doanh nghiệp khai thác chợ là cấp thiết

Theo BCN Đề tài, thời gian qua, hoạt động của các chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều tồn tại như một số tiểu thương các chợ tự ý lấn chiếm diện tích kinh doanh, bán không đúng ngành hàng đăng ký; việc kinh doanh chưa đi vào nề nếp gây mất trật tự trong khu vực chợ; không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ qua, môi trường; tình trạng hàng hoá, thực phẩm ở chợ không được kiểm tra, quản lý làm người tiêu dùng khó tránh khỏi việc mua hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, tổ chức bộ máy của ban quản lý chợ còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hiệu quả. Các chợ hạng 3 do UBND cấp xã quản lý, ban hành quyết định tổ chức bộ máy, hợp đồng tùy tiện, sử dụng lao động chưa đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các khoản thu tại chợ nhìn chung chỉ đủ đáp ứng kinh phí trả lương cho người lao động, một số ít nộp vào ngân sách địa phương. Một số chợ không quản lý được phần thu phí trông giữ xe đạp, xe máy gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Tài sản hình thành cho hạng 3 phần lớn là nguồn ngân sách Nhà nước; hiệu quả về khai thác nguồn thu phí tại chợ đạt quá thấp , không đảm bảo nhu cầu tái đầu tư, nâng cấp chợ.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân tham gia quản lý chợ còn thiếu kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ quản lý chợ; chưa cập nhật các quy định của pháp luật, trong quá trình hoạt động còn vi phạm nhiều quy định.

"Trước thực trạng đó, việc xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình ban quản lý chợ sang mô hình giao giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, khai thác là một trong những giải pháp cấp thiết nhằm đưa chợ truyền thống ở địa phương phát triển lâu dài và bền vững của hoạt động thương mại trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân trong khu vực và các khu vực liền kề; tạo sự đồng bộ về hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển, giải quyết việc làm và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng miền và của đất nước" - ThS Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, việc chuyển đổi mô hình chợ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ chưa tương xứng và phù hợp với tình hình thực tế địa phương đó thiếu kinh phí. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn dự án Nhà nước sau khi bàn giao đưa vào sử dụng không được quản lý, theo dõi khấu hao tài sản; việc quản lý tài sản phát sinh của các hộ kinh doanh tại chợ chưa đúng quy định, không phù hợp với quy hoạch...

Công tác tuyên truyền về xã hội hoá đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ chưa được các địa phương quan tâm triển khai tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện đầu tư và chuyển đổi chợ ; một số địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Ngoài ra, quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình chợ quản lý, kinh doanh khai thác chợ do gặp phải sự phản đối của tiểu thương kinh doanh trong và ngoài chợ.

"Những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình chuyển đổi mô hình chợ và quản lý chợ như trên là những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người", ThS Điệp cho biết.

Địa phương không làm tốt việc giải thích lợi ích của việc chuyển đổi mô hình chợ

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 15.540 lượt công dân đến Trụ sở để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến các dự án chuyển đổi mô hình quản lý chợ; tình trạng khiếu nại, tố cáo về chợ đã và đang xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố với tổng 76 vụ việc, điển hình như chợ Bưởi, chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh), chợ Đọ (Hải Dương), chợ Bỉm Sơn, chợ Còng (Thanh Hoá), chợ Túc Duyên (Thái Nguyên), chợ Kỳ Anh, chợ Nghèn (Hà Tĩnh), chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn)...

Nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo là do trong quá trình đầu tư, xây dựng, nâng cấp cải tạo chợ, các địa phương thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ theo hướng dẫn của các bộ, ngành, chưa công khai, minh bạch chủ trương , phương án đầu tư kinh doanh, chưa tạo sự đồng thuận và thống nhất của các tiểu thương kinh doanh tại chợ, dẫn tới trình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra trong quá trình thực hiện.

Việc phân loại chợ chủ yếu trên cơ sở số lượng điểm kinh doanh trong chợ trong thực tiễn khó áp dụng đối với các chợ được xây dựng từ lâu và ở khu vực thành thị, chưa có cơ chế chúng cho việc tổ chức các hoạt động mang tính liên kết trong phát triển mạng lưới chợ.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án một số địa phương không làm tốt việc công khai, vận động, giải thích để nhân dân thấy được lợi ích của việc chuyển đổi mô hình chợ; chế độ chính sách chưa đảm bảo hài hòa lợi ích, người dân cảm thấy bị đối xử không công bằng, ở một số nơi còn có hiện tượng tiêu cực...

Tại một số chợ, các tiểu thương đã thực hiện việc đóng góp kinh phí để xây dựng chợ nhưng đến khi thực hiện cổ phần hoá thì tiểu thương không được coi là cổ đông góp vốn và bị trừ phần tiền đã đóng góp dần vào tiền thuê mặt bằng kinh doanh.

Một số chợ, trung tâm thương mại đã được xây dựng theo quy hoạch của địa phương nhưng có vị trí không thuận lợi, không phù hợp với thói quen mua sắm của nhân dân...

Tại một số chợ cũ, thời gian hợp đồng của tiểu thương với địa phương vẫn còn dài với chi phí thấp nên tiểu thương không muốn đi chuyển địa điểm kinh doanh vào chợ mới; bố trí, sắp xếp các ngành hàng chưa khoa học dẫn đến khó khăn cho các tiểu thương...

Thiếu công khai, dân chủ trong xây dựng quy hoạch chợ

Ông Điệp cũng cho biết, nội dung khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến chuyển đổi mô hình chợ chủ yếu là vị trí xây dựng chợ mới, sắp xếp bố trí ngành hàng không thuận lợi cho việc kinh doanh và vận chuyển hàng hoá; thiếu công khai, dân chủ trong xây dựng quy hoạch chợ và trung tâm thương mại; giá thuê ki-ốt và mặt bằng kinh doanh, phí dịch vụ bán hàng tại trung tâm thương mại quá cao; một số chủ đầu tư xây dựng chợ và trung tâm thương mại sử dụng biện pháp cưỡng chế trái quy định của pháp luật đối với các hộ tiểu thương.

Đòi được đóng góp cổ phần và được tham gia điều hành doanh nghiệp hoặc tự đứng ra mở doanh nghiệp quản lý; đòi quyền sử dụng ki ốt lâu dài, không phải thuê có thời hạn do trước kia họ có đóng góp khi xây dựng, cải tạo chợ...

Giao cho chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm trong việc quản lý về trật tự xây dựng dẫn đến một số chủ đầu tư dự án xây dựng chợ vi phạm quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

"Nhìn chung, trong những năm qua, việc chuyển đổi mô hình chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chợ sau khi chuyển đã mang lại hiệu quả, khang trang, sạch sẽ hơn, thuận lợi hơn cho người dân mua bán, an toàn thực phẩm được kiểm soát. Các ban quản lý chợ đã duy trì hoạt động của các chợ tương đối ổn định và mang lại những kết quả đáng kể, tạo thuận lợi buôn bán cho các tiểu thương, tạo công ăn việc làm cho người lao động...", ông Điệp nhấn mạnh.

Thái Hải