Trình bày nội dung nghiên cứu tại hội thảo, ThS Ngô Mạnh Hùng cho biết, qua quá trình nghiên cứu, khảo sát cho thấy, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra xuất phát từ một số nguy cơ như: Tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra xuất phát từ chính chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người được giao nhiệm vụ thanh tra. Trong đó, nguy cơ lớn xuất phát từ quyền phát hiện sai phạm, kiến nghị mức độ, biện pháp xử lý;

Mặt khác, xuất phát từ địa vị pháp lý phụ thuộc của cơ quan thanh tra thực hiện hoạt động thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý Nhà nước và khả năng chi phối của đối tượng thanh tra cũng như xuất phát từ chính nội bộ, khép kín của quy trình, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra.

Đồng thời, cũng xuất phát từ những kẽ hở trong hệ thống các quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật thông qua hoạt động thanh tra.

Ngoài ra, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực còn xuất phát từ chính hạn chế về năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ thanh tra.

Cho ý kiến vào nội dung nghiên cứu của đề tài, ThS Phạm Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) cho rằng, Chương I của đề tài cần khai thác sâu hơn về đặc điểm của hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Về các điều kiện bảo đảm, đề tài đã đưa ra nhiều yếu tố bảo đảm nhưng nên chú trọng những yếu tố đảm bảo có tính chất quan trọng. Ngoài ra, một số yếu tố đảm bảo khác cần được bổ sung: Yếu tố bảo đảm về mặt pháp lý, yếu tố bảo đảm về về đạo đức công vụ.

Đồng quan điểm, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, chủ đề nghiên cứu mà đề tài đưa ra có cấp thiết và có tính mới.

Về các nội dung nghiên cứu, theo TS Hùng, đề tài cần làm rõ hai nội dung: Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra và phòng, chống tiêu cực trong hoạt động thanh tra, trong đó nội dung phòng, chống tiêu cực cần được làm rõ và sâu hơn.

Tại Chương II, dung lượng đánh giá về thực trạng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được bổ sung và phân tích sâu hơn. Đặc biệt đề tài cần chỉ ra được các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra trong thực tế. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra được những nhận định khách quan, trung thực về thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra hiện nay.

Về các giải pháp, TS Hùng cho rằng đề tài cần làm rõ nét các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động thanh tra, trong đó cần chú trọng đưa ra được các giải pháp có tính mới. Theo đó, các giải pháp cần hướng vào ba nội dung chính: Giải pháp về hoàn thiện pháp luật quy định trong hoạt động thanh tra; Giải pháp chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra và giải pháp chống tiêu cực trong hoạt động thanh tra; Giải pháp tổ chức thực hiện.

ThS Lê Văn Đức, Phó trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện, Viện CL&KHTT, chia sẻ, mặc dù đề tài đã đưa ra được nhiều giải pháp nhưng chưa sâu. Chương I cần bổ sung đặc điểm của hoạt động thanh tra trong việc thực hiện theo đoàn, đội, tổ (sự liên kết rất chặt chẽ) nên khả năng phát hiện tham nhũng, tiêu cực rất khó.

Về các biện pháp phòng ngừa, đề tài nên tiếp cận theo phương thức và chủ thể, theo đó từng biện pháp phải do chủ thể nào thực hiện. ThS Đức lấy ví dụ: Đối với hoạt động của Vụ Tổ chức, cán bộ, thủ trưởng sẽ kiểm soát cán bộ như thế nào. Hay vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích cũng cần được tiếp cận từ nhiều chủ thể, quyền bảo lưu để kiểm soát xung đột lợi ích.

Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra cũng là một kênh giám sát, nhưng việc tiếp thu, giải trình như thế nào hiện nay còn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, nội dung Chương I mới đề cập đến các quy định pháp luật do vậy cần bổ sung các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra (do trong quá trình thanh tra các biện pháp nghiệp vụ có thể sử dụng ngay để kiểm soát hoạt động thanh tra).

Nội dung Chương II, cần bổ sung nội dung về các kênh giám sát từ bên ngoài (một cơ quan thanh tra cụ thể, không phải cơ quan bên ngoài ngành Thanh tra).

Kết thúc hội thảo, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, ThS Ngô Mạnh Hùng cảm ơn ý kiến của các đại biểu đã góp ý vào các nội dung nghiên cứu của đề tài. ThS nhấn mạnh, những ý kiến tại hội thảo này sẽ là cơ sở để Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu nhằm chỉnh sửa và hoàn thiện đề tài.

Thái Hải