Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển kinh tế xã hội giúp chúng ta đạt được những thành tựu lớn, tuy nhiên, song song với đó là môi trường đang diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Khải cho biết, việc sửa đổi luật giúp phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Việc xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo ông Nhân, bảo vệ môi trường phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Có các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon.

Thống nhất quản lý về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện; trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Có đủ chế tài xử lý đảm bảo đủ tính răn đe để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

TS Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhận định: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới như giấy phép môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, giảm bớt các thủ tục hành chính về môi trường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tăng cường thanh tra, tăng mức xử phạt hành chính, công khai thông tin.

Ngoài ra, thống nhất quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan bảo vệ môi trường. Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Về các quy định thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Như Mai, chuyên gia độc lập cho rằng, các nội dung quy định tại dự thảo luật, về cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam gồm những quy định chung, nguyên tắc; những quy định chi tiết, kỹ thuật, tổ chức bộ máy sẽ được quy định ở các văn bản pháp quy; các luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Mai, Dự thảo Luật cần bổ sung các quyền của doanh nghiệp, vì hiện chủ yếu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (kiểm kê khí nhà kính, nộp thuế…). Bên cạnh đó, cần quy định rõ nét hơn về quyền tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội vì dự thảo quy định còn chung chung.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất được vai trò vai trọng của bảo vệ môi trường trong đảm bảo về quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành, vai trò của các hoạt động kinh tế - xã hội trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường; các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; các quy định thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và đưa ra một số đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi của Luật Bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ môi trường cần bổ sung và hoàn thiện hơn nữa về tính thống nhất hệ thống pháp luật; tính khả thi và hiệu quả của các chính sách khi luật đi vào cuộc sống; đồng thời cần rà soát lại việc phân công trách nhiệm, thẩm quyền các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.

Thái Hải