Ông Vũ Hải Nam cho biết, tổng cục nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các bộ, ngành đều đã xây dựng phương án, sau đó Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban Chỉ đạo.

Theo ông Vũ Hải Nam, có 3 tiêu chí thành lập tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Có đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.

Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành, lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.

Cụ thể, đường quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh lộ và huyện lộ đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...

leftcenterrightdel
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Biên chế trả lời tại buổi họp báo 

"Khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì có ý kiến băn khoăn liệu có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy, phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý", ông Vũ Hải Nam nhấn mạnh.

Thông tin cho báo chí, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án về các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ như: Lĩnh vực tổ chức, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ; công tác tôn giáo… Đặc biệt là đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6 và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.

Hết năm 2021, về tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đã giảm 561 xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngay khi có kết quả sắp xếp, Bộ Nội vụ sẽ công khai trên các phương tiện thông tin, báo chí. 

Bên cạnh đó, công tác quản lý biên chế, công chức đạt được nhiều kết quả. Cùng với đó, những tác động rõ nét về công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính được nâng lên.

Có thể nói, 6 tháng đầu năm 2022 và năm 2021 là sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ.

“Đạt được những kết quả đó là sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương. Các bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền tải thông điệp tích cực, đổi mới, kịp thời; báo chí đã dành sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào kết quả đạt được của Bộ Nội vụ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Phương Anh