Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Đây như là lời hiệu triệu thể hiện thông điệp mạnh mẽ yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có ý nghĩa của công cuộc PCTN của Đảng.

Nghệ An là tỉnh lớn, có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng CB,CC,VC lớn. Thời gian qua, thực hiện Luật PCTN 2018 và Nghị định số 59/2019 của Chính phủ, nhận thức, quan điểm về chuyển đổi vị trí công tác đối với CB,CC,VC của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất, triển khai thực hiện chưa chặt chẽ, còn ngại va chạm nên số lượng được chuyển đổi so với yêu cầu chưa nhiều, chưa đều đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu lực, hiệu quả.

Linh hoạt, minh bạch trong công tác CB

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho toàn thể CB,CC,VC và người dân các quy định pháp luật mới ban hành, trong đó có Luật PCTN cũng như thực hiện Nghị định 59/2019 và được đưa vào kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành 15 kế hoạch và 1 quyết định để chỉ đạo công tác PCTN, trong đó có nội dung chuyển đổi vị trí công tác; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện công tác PCTN.

Công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CB,CC,VC đã góp phần khắc phục hiện tượng cục bộ, khép kín trong từng cơ quan, đơn vị; được các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo quy trình, công khai, minh bạch, không có khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Sở Nội vụ đã báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện; đồng thời ban hành Văn bản số 184/SNV-TTR ngày 28/1/2021 đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật PCTN và Nghị định 59/2019. Trên cơ sở đó, các cấp các ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung về chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc được Sở Nội vụ trực tiếp hướng dẫn đầy đủ, kịp thời hoặc trả lời bằng văn bản.

Đặc biệt, thực hiện Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CC,VC trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức CB ở địa phương và Kết luận số 173-KL/TU ngày 14/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác CB và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó có nội dung yêu cầu tập trung thực hiện tốt Thông tư số 03/2022 và thực hiện công khai minh bạch điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, quy trình, thủ tục hành chính các khâu trong công tác CB, Sở Nội vụ đã ban hành Văn bản số 2211/SNV-TTR ngày 12/9/2022 hướng dẫn thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Thông tư số 03/2022 để thống nhất thực hiện trong các cơ quan, đơn vị các cấp thuộc khối Nhà nước.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: “Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để PCTN được đặt trong tổng thể mục đích, yêu cầu về PCTN, tiêu cực; sử dụng hợp lý, có hiệu quả biên chế, số lượng người làm việc; phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; phát huy được khả năng, sở trường của từng cá nhân. Đồng thời đã tạo điều kiện cho CB,CC,VC làm được nhiều công việc khác nhau để rèn luyện, thử thách và đào tạo toàn diện hơn. Vì vậy, trong những năm qua, mặc dù khối lượng công việc nhiều, biên chế công chức giảm nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”.

leftcenterrightdel
Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã phối hợp chủ đầu tư giám sát thi công công trình Trường Mầm non xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Xuân Thống 

Từ thực tế quá trình thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, còn có những khó khăn vướng mắc về đối tượng, vị trí và thời gian chuyển đổi.

“Thông tư số 03/2022 của Bộ Nội vụ quy định 8 vị trí trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức CB phải có sự chuyển đổi khi CB,CC,VC đảm nhận vị trí này có thời gian từ 3 đến 5 năm. Đây đều là những vị trí công tác đòi hỏi sự chuyên sâu trong tham mưu. Kiến thức, kinh nghiệm phục vụ tham mưu công tác CB chủ yếu cán bộ tự học hỏi, tự đào tạo. Hiện nay, trong sắp xếp vị trí việc làm, Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Đối với cấp huyện ở một số vị trí cũng rất khó khăn. Riêng Ban Tổ chức cấp huyện số lượng biên chế chỉ từ 5-7 người, mỗi người đảm nhận 1-2 mảng nhiệm vụ chuyên sâu, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi đồng bộ, đồng loạt”, ông Khánh cho hay.

Riêng tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ngoài việc tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh, còn xây dựng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CB theo dõi địa bàn, đơn vị, quy định rõ thời gian mỗi CB theo dõi công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác CB ở một đơn vị không quá 3 năm; xây dựng và công khai trên Cổng Thông tin Điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An bộ quy trình thủ tục hành chính về công tác CB, bao gồm quy trình thực hiện, các loại hồ sơ, cấp thẩm quyền quyết định các nội dung về công tác CB bắt đầu từ khâu tuyển dụng, nâng ngạch, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và chính sách cán bộ.

Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với CB cấp phòng để bảo đảm trưởng phòng chuyên môn không giữ chức vụ tại một vị trí công tác quá 8 năm, tiến hành việc chuyển đổi theo dõi địa bàn, đơn vị đối với lãnh đạo và CC,VC trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, theo Thông tư số 03 của Bộ Nội vụ chỉ áp dung cho CC,VC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (không áp dụng đối với CC, VC giữ chức vụ lãnh đạo quản lý). Trong khi, đối chiếu với thực tiễn thì cần quan tâm, chú trọng hơn việc chuyển đổi vị trí công tác đối với CC,VC giữ vị trí lãnh đạo.

Mặt khác, Thông tư 03 mới chỉ đề cập đến những vị trí công tác cần chuyển đổi ở lĩnh vực công tác CB, chưa quy định danh mục vị trí cần chuyển đổi đối với các lĩnh vực tài chính, kế hoạch - đầu tư và một số lĩnh vực ngành nghề khác tiềm ẩn cao yếu tố tham nhũng.

Do đó, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đáp yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng CB nói chung, CC, VC nói riêng theo các đối tượng, một mặt phải nâng cao hiệu quả công tác PCTN, đồng thời bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Xây dựng đội ngũ CC, VC “thạo một việc, biết nhiều việc”, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ

Nghệ An là tỉnh lớn, có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng CC, VC lớn. Trong năm 222, toàn tỉnh có 3.048/được giao 3.314 CC cấp tỉnh, huyện; 4.889/được giao 3.986 CC cấp xã và 52.647/được giao 54.538 VC.

Từ thực tiễn biến động CC, VC nhiều, do giảm thường xuyên, tinh giản biên chế; sắp xếp lại tổ chức; do được đề bạt, bổ nhiệm; điều động, biệt phái, thuyên chuyển… nên công tác tổng hợp, theo dõi, kiểm tra còn nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho CC, VC. Ảnh: Nhật Tuấn 

Qua đánh giá, cho thấy nhận thức và quan điểm về chuyển đổi vị trí công tác đối với CC, VC của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất, mới chỉ coi trọng thực hiện đối với một số chức danh thuộc lĩnh vực quản lý ngân sách, tài chính, tài nguyên. Có nơi chưa thật sự coi trọng công tác này nên số lượng CC, VC định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chưa nhiều, chưa đều.

Mặt khác, một số trường hợp chuyển đổi vị trí công tác đến cơ quan, đơn vị khác địa bàn gặp những khó khăn về điều kiện đi lại, công tác, sinh hoạt, chế độ phụ cấp nên ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực hiện.

Cùng với đó, một bộ phận CC, VC và người dân vẫn chưa nắm vững mục đích, nội dung của việc chuyển đổi vị trí công tác; người đứng đầu, bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có nơi chưa nắm vững quy định, triển khai thực hiện chưa chặt chẽ, còn ngại va chạm nên số lượng CC, VC được chuyển đổi so với yêu cầu chưa đảm bảo. 

Quán triệt sâu sắc việc chuyển đổi vị trí công tác là giải pháp quan trọng góp phần PCTN, với mục tiêu kép là chuyển đổi vị trí công tác để tạo môi trường đào tạo, bồi dưỡng CC, VC toàn diện, “thạo một việc, biết nhiều việc”. Đó không chỉ là kiến thức lý luận về một lĩnh vực chuyên môn mà cả kinh nghiệm thực tiễn, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đồng thời là hình thức thử thách, khảo nghiệm cán bộ thêm kênh thông tin để đánh giá CB, là cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm CB, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai kịp thời các văn bản của Nhà nước liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CB,CC,VC; ban hành các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa các quy định liên quan đến công tác CB, tổ chức bộ máy đảm bảo thực hiện đồng bộ, quy trình thực hiện, thủ tục hành chính công khai, minh bạch nhằm hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị nói chung, đội ngũ CC, VC nói riêng trong việc nâng cao năng lực, trình độ cũng như kiểm soát, hạn chế những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngăn ngừa PCTN, tỉnh đã hướng tới một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để các địa phương có đầy đủ căn cứ pháp lý  trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác để CC, VC hiểu và chấp hành nghiêm túc. Coi đây là công việc bình thường trong công tác CB.

Thứ ba, phát huy vai trò trách nhiệm, nhất là trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu trong thực hiện công tác CB và trong đấu tranh PCTN.

Thứ tư, việc chuyển đổi vị trí công tác của CC, VC phải được thực hiện định kỳ theo đúng thời hạn quy định, nhằm phòng ngừa tình trạng CC, VC công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác để lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng cục bộ, ê kíp trong từng địa phương, đơn vị, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực. Trong đó, tập trung vào các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (như: Phân bổ ngân sách, kế toán, tuyển dụng CC, VC, quản lý thu thuế, hải quan, cấp phép cho thê đất, giao đất, thăm dò, khai thác khoáng sản…).

Quan tâm tạo điều kiện về chế độ; công tác đào tạo, bồi dưỡng CB để việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác được thuận lợi, gắn việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác CB nói chung và công tác chuyển đổi vị trí công tác nói riêng.

leftcenterrightdel
Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại xã Hưng Lộc, TP Vinh. Ảnh: TL 

"Đến nay mới chỉ có 4 bộ, cơ quan ngang bộ có thông tư hướng dẫn (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ). Riêng Bộ Tư pháp mới chỉ hướng dẫn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Vì vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác chưa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ" - báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An.

Xuân Thống