Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thời gian qua mạng lưới trường học được mở rộng, nhiều địa phương đã phát triển dịch vụ đưa đón trẻ em, học sinh bằng ô tô. Nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể về loại hình dịch vụ đưa đón học sinh.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, trên thế giới, một số nước tiên tiến đã có những quy định rất chặt chẽ đối với xe đưa đón học sinh về tiêu chuẩn kỹ thuật, màu sắc, hình thức và các biện pháp bảo đảm an toàn. Các quy định này nằm trong hành lang pháp lý để bảo vệ học sinh khi tham gia sử dụng dịch vụ này.

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ GTVT chủ trì việc rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật, hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải chở hành khách là học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông.

Đề nghị của Bộ GD&ĐT đã nhận được rất nhiều ý kiến của dư luận. Không ít người cho rằng quy định này thực hiện theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng rất cần thiết, muộn còn hơn không. Bởi thời gian gần đây xảy ra liên tiếp 2 vụ việc trẻ em bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ: “Việc bổ sung quy chuẩn cho xe đưa đón học sinh là cần thiết. Hai sự việc trẻ em bị bỏ quên trên xe đưa đón là bài học đối với các cơ quan, ban, ngành. Ở nước ta, việc xây dựng quy chuẩn bây giờ mới đang trong giai đoạn “đề nghị” nhưng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hàng chục năm rồi”.

Luật sư Huy An dẫn chứng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, các trường học đều đưa đón học sinh bằng xe buýt nhằm đảm bảo an toàn và kịp giờ học cho trẻ. Những chiếc xe buýt được sơn màu vàng cho dễ nhận biết, được trang bị hệ thống đèn cảnh báo, ghế rất dài và gương cỡ lớn.

Tại Mỹ, để an toàn cho xe đưa đón học sinh, họ cấm các phương tiện khác không được vượt xe buýt. Xe buýt đưa đón học sinh cũng nằm trong số các xe được ưu tiên. Đối với tiêu chuẩn xe buýt tại Mỹ, những chiếc xe này có trọng lượng nặng hơn, phân phối lực va chạm, ngay cả khi xảy ra tai nạn học sinh vẫn an toàn vì ghế ngồi cả trước và sau được bọc đệm dày. Thậm chí, xe còn được trang bị dây an toàn trên mỗi ghế.

“Hầu hết các xe buýt được gắn camera theo dõi trên xe truyền về hệ thống tín hiệu chung. Trước khi di chuyển về bãi đỗ, tài xế sẽ quan sát kỹ ghế ngồi xem có học sinh nào sót lại. Ngoài ra, cả tài xế và nhân viên đưa đón đều được tuyển dụng khá kỹ lưỡng về độ tuổi, sức khỏe, thị lực, khả năng nghe, nói…”, luật sư Huy An nói.

Trưởng Văn phòng Luật sư Huy An nói rằng, Bộ GTVT cần sớm xây dựng tiêu chuẩn để ban hành là áp dụng vào thực tiễn. Bởi hiện nay, tình trạng xe đưa đón học sinh tại các trường theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và không theo một quy tắc nào. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho trẻ em.

Trước đó, vào giữa tháng 8, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua.

Thanh Thanh