Từ thực tiễn xây dựng thương hiệu Việt

Trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, thời gian qua, các DN Việt Nam đã có tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 mới chỉ có 30 DN đạt THQG thì đến 2018 đã có 97 DN được công nhận danh hiệu này.

Đặc biệt, một số DN Việt Nam đã có chiến lược bài bản trong tạo dựng và phát triển thương hiệu và đã làm nên tên tuổi của mình ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD. Giá trị thương hiệu của Viettel tăng 20%, tức hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Viettel dẫn đầu bảng xếp hạng, thuộc Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Tiếp đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Công ty cổ phần Vinhomes xếp vị trí thứ 4, xếp thứ 5 là Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình THQG và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, một bộ phận không nhỏ DN chưa quan tâm đến việc xây dựng và coi thương hiệu là công cụ đi đến người tiêu dùng khiến cho có những nhận thức, hành động chưa đầy đủ. Nhiều DN Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất khẩu vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị của nước ngoài. Mặt khác, đa phần các DN Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị đúng nghĩa, dẫn đến việc thiếu chiến lược và đầu tư chiều sâu cho phát triển thương hiệu, chạy theo hình thức mà quên mất những giá trị nền tảng có tính bền vững của thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của sản phẩm của DN Việt Nam trên thị trường nội địa, giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thương hiệu Việt Nam vẫn được biết đến rất ít ở thị trường thế giới. Không những thế, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới... Vì thế, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN sẽ nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế hàng hóa Việt Nam góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

Đến những giải pháp

Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang đặt ra những yêu cầu mới cho việc xây dựng thương hiệu của các DN Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây, chúng ta đã chủ động, linh hoạt thực hiện thành công việc ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA với các đối tác thương mại quan trọng (cũng là đối tác chiến lược) của Việt Nam, như Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu (mà trọng tâm là Nga), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...  

Trong đó, CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là các FTA thế hệ mới, cấp độ tiêu chuẩn cao hơn, cân bằng lợi ích, toàn diện với những nội dung thương mại phi truyền thống, như di chuyển thể nhân, lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, DN nhà nước, bảo vệ môi trường... Điều đó cho thấy, để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các DN, cũng như các cấp quản lý cần phải có những giải pháp căn cơ để xây dựng thương hiệu cho các DN Việt Nam.

Về phía DN

Trước hết, các DN cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu lâu dài và liên tục để luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường, lợi ích của người tiêu dùng và duy trì lợi thế cạnh tranh vì ngày nay thói quen của người tiêu dùng trong nước cũng thay đổi nhanh chóng theo những diễn biến của kinh tế và thị trường thế giới.

Thứ hai, các DN phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ của mình. Bởi, suy cho cùng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ có ý nghĩa quyết định đến thương hiệu của DN. Cho dù công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm có tốt đến đâu, nhưng chất lượng sản phẩm kém người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với DN.  Do vậy, trong thế giới không ngừng cạnh tranh, thì DN phải liên tục vươn lên để phát triển thị trường, đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Thứ ba, để xây dựng thương hiệu, các DN phải biết dung hòa giữa các mục tiêu. Bởi, một trong những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu của các DN Việt Nam là làm thế nào để dung hòa giữa những mục tiêu mà nhà lãnh đạo DN đặt ra với những giải pháp tốt nhất mà bộ phận tiếp thị đề xuất và có thể hiện thực hóa. Trên thực tế, nhiều thương hiệu nội địa chưa mang tính rõ ràng và chưa có sự gần gũi với người tiêu dùng. Do đó, trong giai đoạn mà DN gặp khó khăn về mặt thị trường, cần thiết phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong khâu xây dựng thương hiệu. Và những yếu tố cần phải quan tâm hàng đầu đó là niềm tin và kỳ vọng của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của DN. Đồng thời, trong quá trình xây dựng thương hiệu, các DN cần quan tâm đến hệ thống quản lý, đào tạo con người, sẵn sàng hội nhập, biết chấp nhận thách thức để DN trưởng thành hơn.

 

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019: Xây dựng thương hiệu phải gắn với bảo vệ thương hiệu. Ảnh: K.D

 

Về phía Nhà nước

Để DN có thể xây dựng được thương hiệu cũng cần sự hỗ trợ mạnh của Nhà nước và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần:

Thứ nhất, xây dựng môi trường phát triển thương hiệu thuận lợi thông qua việc phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các Bộ, ngành và tổ chức hữu quan đang thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, Ban Kinh tế trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất trong nghị quyết, quyết định phát triển kinh tế, xã hội, lồng ghép phát triển thương hiệu; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ban ngành tổ chức tuyên truyền bồi dưỡng nâng cao nhận thức về thương hiệu, nhận thức chính trị, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lực tự cường giúp DN phát triển thương hiệu.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng THQG.

Thứ ba, Nhà nước cần mở rộng các chính sách để kết nối các DN thông qua các hiệp hội để cùng tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho nhóm sản phẩm (thương hiệu ngành hàng). Đồng thời có cơ chế, chính sách để gia tăng việc xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, đặc biệt là thương hiệu tập thể gắn với chỉ dẫn địa lý. Chọn lọc và đầu tư để xây dựng một số thương hiệu quốc tế mạnh của DN Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Long

Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị