Đề tài do TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra đăng ký làm Chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt, chủ trì cuộc họp.

Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, thực tế trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan thanh tra thông qua hoạt động của mình đã phát hiện, xác minh, làm rõ và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước. Việc xử lý hành vi tham nhũng cũng chưa thực sự phát huy hết vai trò của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện hoạt động này, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Việc bổ sung quy định điều chỉnh về thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế.

Xuất phát từ lý do trên, Đề tài dự kiến triển khai với mục tiêu là làm sáng tỏ các vấn đề lý luận cơ bản về thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: Một số vấn đề chung về thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoàiNhà nước.

Tại cuộc họp, TS.Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Đề tài có giá trị áp dụng trong thực tiễn, có tác động trong nhận thức và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng.

Để hoàn thiện hơn, Đề tài cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Đối với phần tính cấp thiết, Đề tài cần luận giải cụ thể, sâu sắc hơn để thấy rõ sự cần thiết, bao gồm về mặt chính trị và về mặt lý luận; mục tiêu nghiên cứu nên viết theo 3 nội dung nghiên cứu chính của đề tài, làm rõ sự cần thiết trong việc điều chỉnh pháp luật đối với khu vực tư; đối tượng nghiên cứu cần phân định thành 3 nhóm: lý thuyết về vấn đề; quy định pháp luật và thực trạng thực hiện; phạm vi nghiên cứu mở rộng thêm một số văn bản pháp luật về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

ThS. Nguyễn Sĩ Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, vấn đề được đề xuất nghiên cứu là vấn đề mới, có tính cấp thiết khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2018 với một số quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn thực thi những quy định điều chỉnh vấn đề này.

Về phương diện lý luận, nghiên cứu Đề tài là cần thiết nhằm rõ những vấn đề còn vướng trên thực tiễn. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của Đề tài cần xác định rõ là tổ chức, khu vực ngoài nhà nước theo Luật Phòng, chống tham nhũng hay tổ chức, khu vực ngoài nhà nước nói chung; bổ sung thêm nội dung về thẩm quyền; Chương 2 nên đánh giá thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho rằng, Đề tài giữ nguyên tên nhưng cần làm rõ vấn đề thanh tra để xử lý vi phạm; rà soát lại mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể; tính cấp thiết của Đề tài nên đi từ những vấn đề thực tiễn đang phát sinh; các nội dung nghiên cứu điều chỉnh theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Kết thúc buổi họp, trên cơ sở dự kiến các nội dung nghiên cứu và sự thống nhất với Chủ nhiệm đề tài, Hội đồng phê duyệt nhất trí phê duyệt thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu.

Thái Hải