Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương “chuyển tiếp” đơn của công dân Đồng Minh Thành

 

Sự “nhầm lẫn” của chính quyền TP Hải Dương ở chỗ: lẽ ra phải căn cứ vào giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường cho người dân thì họ lại căn cứ vào bảng giá đất. Việc làm này không những trái Luật Đất đai mà còn trái với chính Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND  của UBND Tỉnh Hải Dương quy định về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh này. Ngay sau khi báo đăng bài thứ nhất (6/9/2019), ngày 16/9/2019, UBND Tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 3235/UBND-VP giao Sở Tài nguyên và Môi trường “chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hải Dương rà soát, kiểm tra sự việc” và “báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 24/9/2019”.

Tuy nhiên, ngày 25/9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương có Công văn số 1721/STNMT-TTr “chuyển tiếp” sự việc gửi UBND thành phố Hải Dương, cho rằng nội dung bài đăng Báo Thanh tra cũng như các kiến nghị, phản ánh của ông Đồng Minh Thành “đều thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND TP Hải Dương”.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương làm như vậy có đúng không?

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI

Đối chiếu với quy định của pháp luật, có thể thấy Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương “chuyển tiếp” sự việc không phải là sai nhưng chứng tỏ cơ quan này đã không làm đúng trách nhiệm được UBND tỉnh giao: “chủ trì” và “báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 24/9/2019”. Theo đó, chúng tôi cho rằng điều tối thiểu có thể làm là dù có “chuyển tiếp” sự việc để UBND thành phố Hải Dương giải quyết, thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải có trách nhiệm đôn đốc UBND thành phố trả lời người dân theo đúng “lệnh” của UBND tỉnh “báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 24/9/2019”.

Vì vậy, để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương (càng đặc biệt cấp bách khi TP Hải Dương đã được Nhà nước công nhận là đô thị loại 1), đề nghị UBND tỉnh Hải Dương xem xét và có ý kiến về vấn đề này.

Mặt khác, sự việc chính quyền  thành phố Hải Dương “nhầm lẫn” trong áp dụng pháp luật gây thiệt hại cho dân, khiến dân thắc mắc về giá đất bồi thường đã diễn ra mấy năm nay rồi, thông tin khá “ầm ĩ” nhưng lại không được phát hiện và không bị đình chỉ ngay: khó có thể nói không có trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan “tham mưu giải quyết các trường hợp vướng mắc về giá đất” (theo quy định tại điểm g Khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường…).

Ngoài ra, ông Đồng Minh Thành còn nêu một số vấn đề khác liên quan, đề nghị Tòa soạn giải đáp:

1.  Trong trường hợp Công văn số 365/CV-GPMB và Quyết định số 3196/QĐ-UBND trái pháp luật thì xử lý như thế nào?

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì bất cứ văn bản nào có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn thì đều phải bị xử lý đình chỉ việc thi hành và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và xử lý đối với quyết định trái pháp luật của UBND cấp huyện.

2Đối với sự việc Đảng ủy và UBND phường Tứ Minh không những không phát hiện ra sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật của UBND thành phố trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại cho người dân mà còn chỉ đạo, vận động các đoàn thể thực hiện các văn bản trái pháp luật của cấp trên:

Đây là điều đáng tiếc, bởi theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức thì nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ là phải “chấp hành quyết định của cấp trên”, nhưng “khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

3. Về việc các cơ quan thuộc hệ thống chính  quyền thành phố gây khó khăn, không cung cấp Nghị quyết và các văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương liên quan đến các dự án tái định cư khi người dân yêu cầu:

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1 Luật Tiếp cận thông tin thì Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là văn bản quy phạm pháp luật “phải được công khai rộng rãi để mọi người cùng biết”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 15 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xem xét, giải quyết vụ việc của công dân có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết…”.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn