Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt từ công tác chỉ đạo, triển khai và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý đến công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. 

Cùng với đó, chú trọng thực hiện công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, công tác báo cáo thống kê, việc áp dụng các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai, thực hiện cơ bản.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 và chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc đó.

Theo đó, xuất phát từ chính những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như các quy định của pháp luật liên quan chưa được rõ ràng, cụ thể, hoặc không phù hợp với thực tiễn áp dụng; cư dân ở nhiều vùng, nhiều địa phương có trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; nhận thức pháp luật của một số cán bộ, công chức về quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận cá nhân, tổ chức còn chưa tốt…

Trước khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như tiếp thu những ý kiến của đoàn kiểm tra để có sự chỉ đạo và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nhữ Văn Tâm đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính. 

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật xử lý hành chính để làm cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính. 

Ngoài ra, Bộ Tư pháp sớm triển khai thực hiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng thiết lập hồ sơ và hướng dẫn cụ thể việc xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng như những kết quả nhất định trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng lưu ý với tỉnh về một số sai sót nhỏ cần chấn chỉnh thực hiện trong thời gian tới, đồng thời đề nghị tỉnh tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để nâng cao ý thức, nhận thức hơn nữa về công tác này.

Cùng với đó, tiếp thu, bổ sung ý kiến hoàn chỉnh báo cáo gửi cho đoàn kiểm tra. Những ý kiến, đề xuất của tỉnh sẽ được đoàn tiếp thu, xem xét cụ thể, tham mưu cho Chính phủ và gửi các bộ, ngành Trung ương liên quan nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính…

Thái Hải