Thế nào là quyền phản đối đơn của bên thứ ba?

 Theo quy định tại Điều 112 của Luật SHTT Việt Nam năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh”. Tiêu đề của Điều 112 chính xác là “Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ”. Tuy nhiên, đối với những người hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp điều này của Luật SHTT được gọi một cách đơn giản là “Phản đối đơn”. 

Đây là một thủ tục thông dụng trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp hiện đang được áp dụng tại hầu hết các quốc gia. Ý nghĩa của thủ tục này chính là tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp đang được yêu cầu bảo hộ có thể đệ trình ý kiến của mình lên cơ quan đăng ký sở hữu công nghiệp để được xem xét về việc có đủ cơ sở để cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp đang được đăng ký. 

Vì vậy, việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Quang Minh HD (Quang Minh HD) tiến hành nộp đơn phản đối cấp với nhãn hiệu “PMA bền đẹp với thời gian, hình” theo Đơn đăng ký số 4-2016-28711 nộp ngày 15/9/2016 của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại ATC Việt Nam (ATC) là quyền của doanh nghiệp này đã được luật định.

Việc phản đối đơn cần phải đi kèm tài liệu gì? 

Không phải mọi ý kiến của bên thứ ba Cục SHTT có nghĩa vụ phải xem xét. Ngược lại, ý kiến đó sẽ được cơ quan SHTT xem xét nếu thấy có cơ sở và hợp lý. Để chứng minh cho điều đó bên phản đối cần phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho lập luận của mình và các tài liệu, chứng cứ này phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại mỗi quốc gia. Đây là thủ tục cần thiết góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cũng như hạn chế sai sót trong quá trình cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng này.

Xét vụ việc giữa Quang Minh HD và ATC thì phản đối của Quang Minh HD chỉ được xem xét nếu như nộp đầy đủ lập luận, chứng cứ phù hợp. Đây là quy định quan trọng bởi đi kèm với quyền phản đối phải là nghĩa vụ để tránh làm ảnh hưởng đến tiến trình bảo vệ quyền hợp pháp cho bên còn lại. Ngược lại, Cục SHTT sau khi xem xét hồ sơ phản đối nếu không thấy có cơ sở thì có quyền ra quyết định dựa trên quy định của pháp luật.

Khi nào cần tổ chức đối thoại giữa các bên?

Điều 112 của Luật SHTT đã tạo hành lang pháp lý chung để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 quy định chi tiết về thủ tục xử lý ý kiến người thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ tại Điều 6 và sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN (Sau đây gọi chung là “Thông tư 01”). Theo quy định tại Điều 6.5 của Thông tư đã dẫn thì “Cục SHTT tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người thứ ba và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên”.

Như vậy có 2 điều kiện để tổ chức đối thoại ở đây: Cục SHTT có quyền chủ động đưa ra đề nghị đối thoại nếu thấy cần thiết; và/hoặc hai bên có yêu cầu tổ chức đối thoại. Trường hợp một trong hai bên không đồng ý tổ chức đối thoại thì coi như buổi đối thoại không thể diễn ra. 

Trong vụ việc tranh chấp lần này, theo thông tin được công bố trên một số báo thì chưa hề có bất cứ quyết định hành chính hay hành vi hành chính của Cục SHTT bị khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại. Do đó, có thể thấy việc Cục SHTT tổ chức đối thoại cho các bên (chủ đơn đăng ký nhãn hiệu và bên phản đối đơn) hoàn toàn dựa vào quy định tại Điều 6.5 của Thông tư 01 đã nêu trên mà không phải căn cứ vào quy định tại Điều 30 của Luật Khiếu nại. Điều này đồng nghĩa với việc các quy định của Luật Khiếu nại đối với việc tổ chức đối thoại trong trường hợp này không thể áp dụng.

Đối thoại là cơ hội cuối cùng của hai bên trong việc đối chất để Cục SHTT xác minh thông tin, tài liệu được cung cấp của các bên. Và việc tổ chức đối thoại này phần nào thể hiện cách làm việc chủ động như một số nước đang thực hiện của Cục SHTT trong quá trình giải quyết vụ việc có tính chất phức tạp.

Ảnh minh họa

 

Cục SHTT có ưu tiên xét duyệt hồ sơ của bên bị phản đối?

Quay trở lại vụ việc đang có tranh chấp, nhãn hiệu bị phản đối là nhãn hiệu “PMA bền đẹp với thời gian, hình” theo đơn đăng ký số 4-2016-28711. Theo như tiến trình xử lý đơn được công bố trên, Thư viện số về Sở hữu công nghiệp (IP LIB) của Cục SHTT thì đơn đăng ký nhãn hiệu này được ghi nhận có 3 phản đối đơn được nộp lần lượt các ngày 9/6/2017, 8/12/2017 và 18/12/2018.

Theo nội dung vụ việc được công bố trên một số báo thì đơn phản đối của Công ty Quang Minh HD được nộp vào ngày 8/12/2017 theo Đơn phản đối số PĐ4-2017-01272.

Xem xét tiến trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2016-28711 của Cục SHTT trên IP LIB thì có thể thấy đây là một vụ kéo dài. Điều này có thể thấy qua một loạt công văn trao đổi giữa Cục SHTT với các bên trong các năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến thời hạn thẩm định đơn bị kéo dài đến hơn 25 tháng, lâu hơn nhiều so với thời hạn thẩm định theo luật là 12 tháng. Việc kéo dài thời gian thẩm định này tạo ra một sự thiệt thòi cho chủ đơn đăng ký nhãn hiệu là ATC. Do đó, nếu kết luận Cục SHTT ký văn bản thần tốc trong vụ việc này rõ ràng không phù hợp với thực tế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2016-28711 như được công bố trên IP LIB. 

Trước một sự việc bị kéo dài ảnh hưởng đến quyền của người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cũng như không có tình tiết mới, Cục SHTT cần phải ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu bị phản đối. 

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thông tin trên một số cơ quan báo chí về vụ việc cho thấy Công ty Quang Minh HD đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đồng thời “nộp cho tòa án đơn xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu Cục SHTT dừng việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo đơn 4-2016-28711 ngày 15/9/2016 cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại ATC Việt Nam”. 

Tuy nhiên, hiện nay chưa rõ liệu Tòa án đã thụ lý vụ án hay chưa và liệu Tòa án đã có quyết định áp dụng biện pháp tạm thời hay không? Trong trường hợp Tòa án đã ra quyết định có hiệu lực pháp luật về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Cục SHTT phải có trách nhiệm tuân thủ và thi hành, ngược lại nếu chỉ là thông tin về việc nộp đơn kiện hay yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tòa án thì các thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu Cục SHTT chỉ dựa vào các thông tin tham khảo này để xử lý vụ việc thì chính Cục SHTT lại vi phạm quy định về tố tụng và thủ tục thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đơn.

Vụ việc một lần nữa cho thấy tính chất ngày càng phức tạp trong hiểu các quy định về SHTT. Doanh nghiệp trang bị các kiến thức SHTT để tự bảo vệ mình trong quá trình phát triển kinh tế là một việc cần thiết. Tuy nhiên, hiểu quyền của mình cũng đòi hỏi đi kèm với nghĩa vụ tôn trọng quyền SHTT của bên khác. Việc tố cáo có cơ sở sẽ khiến bộ máy như Cục SHTT vận hành đúng, ngược lại sẽ gây ảnh hưởng đến tiến trình xử lý việc của Cục SHTT.

Luật sư Phạm Duy Khương Giám đốc SB Law