Sáng 3/10, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Muốn nhà vệ sinh 3 sao, bệnh viện tìm cách thu nhiều

Tại đây, nhiều đại biểu quan tâm tới việc nhiều bệnh viện lạm dụng kỹ thuật cao, cung ứng thiết bị không cần thiết, kê thuốc ngoài danh mục để tăng nguồn thu khi thực hiện tự chủ.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận khi các bệnh viện tự chủ thì phải có nguồn thu để thu hút người giỏi, xây dựng mới, mua ga trải giường, máy lạnh, nhà vệ sinh 3 sao trở lên rồi xử lý chất thải, chống nhiễm khuẩn...

“Các chi phí này đều rất tốn kém nên các bệnh viện sẽ phải làm sao để thu nhiều trong khi bảo hiểm y tế chỉ thanh toán tối thiểu nên mới nảy sinh chuyện lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc, kê thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, số ngày, giường điều trị... ”, bà Tiến nói.

Đề cập đến giải pháp, bà Tiến cho biết, phải có định mức để thanh tra, kiểm toán, giám sát và mới tháng trước Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị về chống lạm dụng, trục lợi để có biện pháp tăng cường giám sát.

Tham gia giải trình về việc cơ quan bảo hiểm chậm thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho các bệnh viện, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, dù hiện nay áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kể cả công nghệ thông tin nhưng không phải lúc nào cũng đưa những hiện tượng lạm dụng, trục lợi, gian lận vào các chế tài của Bộ luật Hình sự được.

“Cơ quan Bảo hiểm xã hội có mỗi thẩm quyền là nếu thấy vô lý thì từ chối thanh toán thôi. Nhưng từ chối thanh toán mà bệnh viện không đồng ý thì cứ lằng nhằng như thế rồi lại báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Bộ Y tế, Chính phủ là Bảo hiểm Xã hội không chịu thanh toán”, ông Sơn nói.

“Tự chủ đâu thì tự chủ, xin phép không thu thêm tiền của người bệnh”

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu bệnh viện không thuyết minh, giải trình được các khoản chi thì cơ quan Bảo hiểm sẽ chưa thanh toán.

Dẫn chứng Bệnh viện Sóc Trăng vẫn chưa thuyết minh khoản vượt 18 tỷ đồng nên cơ quan Bảo hiểm chưa có cơ sở để thanh toán.

“Có phê bình thì chúng tôi cũng chưa thanh toán được. Bởi chúng tôi phải thanh toán đúng. Nếu chúng tôi cứ thanh toán thì thay vì cái chưa đúng từ phía bệnh viện lại thành cái sai của Cơ quan Bảo hiểm xã hội. Khi thanh toán rồi thì thành sai chứ không phải chưa đúng nữa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn đề cập đến hiện tượng thu gom bệnh nhân, chia tách dịch vụ y tế là có thực không chỉ ở bệnh viện tư mà cả ở bệnh viện công lập, nhất là khối y dược cổ truyền.

“Trên hệ thống thông tin giám định điện tử, chúng tôi còn phát hiện ra là cắt tử cung rồi vẫn đẻ, mổ phaco (đục thủy tinh thể - phóng viên) 3 mắt cho một người nhưng đến khi chúng tôi yêu cầu giải trình thì đều nói là nhầm, xin lỗi. Chỉ có trường hợp cắt tử cung rồi vẫn đẻ thì bệnh viện mới nhầm là chị cho em mượn thẻ để đi đẻ thôi”, ông Sơn trình bày.

Theo ông Sơn, với trường hợp này thì không thể đưa Bộ luật Hình sự ra để bỏ tù cô em vì mượn thẻ của chị để đi đẻ được.

Từ thực tế đó, ông Sơn khẳng định, cơ quan Bảo hiểm sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác tạm ứng, dự toán, phân bổ kinh phí thanh quyết toán sao cho kịp thời, hợp lý. Đồng thời, mong Đại biểu Quốc hội, cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp cơ quan Bảo hiểm xã hội có thêm được chế tài hợp lý hơn để cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ của mình.

“Cơ quan Bảo hiểm có 2 vai, một là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Cho nên, chúng tôi đang góp ý đề án tự chủ của bệnh viện là tự chủ đâu thì tự chủ nhưng xin phép là không thu thêm tiền của người bệnh, thu thêm thì phải có thỏa thuận. Thứ 2, là chúng tôi phải kiểm soát được chi phí đó theo đúng quy định về bảo hiểm y tế”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Hương Giang