Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, công bố sản phẩm; kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm. Đơn cử việc mở rộng diện không cần kiểm tra đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở. 

Phương thức kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu giảm nhiều so với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.

 Đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham dự hội nghị. Ảnh: TQ

Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cũng giao cho các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm do mình sản xuất. Việc hậu kiểm thay cho việc tiền kiểm như trước đây.

Các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính nhưng sẽ nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng lên 100%.

“Việc thực thi Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ giúp tiết kiệm 10.000 ngày công, và tiết kiệm 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, việc này cũng giúp hạ giá thành của thực phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Đây là con số có ý nghĩa vô cùng lớn với doanh nghiệp bởi nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí”, ông Lộc phát biểu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ tạo sự thay đổi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã thể hiện sự thay đối trong tư duy quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và các hiệp hội đánh giá cao tính ưu việt của Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Với những quy định mới tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như tài chính trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, bên cạnh đó là trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên.

Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có 13 chương 44 điều có hiệu lực ngay từ ngày ký 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thủ tục tự công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm biến đổi gen, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm…

Trần Quý