Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta, với dã tâm thâm độc là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Để thực hiện được âm mưu này, trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào chế độ, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Sự công kích, chống phá ngày càng quyết liệt khi họ có được cái hiện thực vô cùng mới mẻ là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuối thế kỷ thứ XX. 

“Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay”, PGS. TS Mai Đức Ngọc nhận định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về định hướng giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; làm rõ thực trạng, định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; đặc biệt làm rõ những ưu điểm và nhược điểm, những thành tựu và hạn chế của quá trình áp dụng những định hướng, giải pháp đó.

Hội thảo khẳng định đây là thủ đoạn không mới, bởi từ khi chủ nghĩa Mác xuất hiện đến nay, chưa bao giờ các thế lực chống cộng ngưng nghỉ việc công kích, chống phá nó,  các đại biểu cho rằng: tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, nhằm tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của một xã hội thông tin. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh sự tác động của mạng xã hội đến đời sống của con người có tính hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm đặc biệt trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội hiện nay.

Theo đó, các phần tử tìm mọi cách tập hợp những người có trình độ cao nhưng thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống để tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tìm mọi cách để chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là sai lầm; ra sức tuyên truyền và cổ súy cho hệ tư tưởng và nền dân chủ tư sản;

Xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc quan hệ giữa nước ta với các nước khác trên thế giới; lợi dụng, lôi kéo những người dân bị thu hồi đất hoặc đang chịu tác động của ô nhiễm môi trường, những người nhẹ dạ, cả tin để kích động; tìm mọi cách để lập luận, chứng minh Đảng và Nhà nước ta không thực sự vì dân, chỉ có họ mới thực sự vì dân, vì nước, đứng ra đấu tranh để bảo vệ nhân dân; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... 

Lên án cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước tham nhũng, thiếu dũng khí, quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo... Khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đưa những vụ án lớn ra xét xử thì họ lại xuyên tạc đó là cuộc đấu đá giữa các phe phái trong Đảng, Nhà nước...

Với những sản phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng và được lan tỏa, không chỉ khiến những người dân trình độ thấp, ít thông tin bị mê hoặc mà ngay cả một bộ phận người dân có trình độ cao hơn cũng hoang mang, hoài nghi và tin theo, từ đó hình thành dư luận xã hội tiêu cực một cách sâu rộng. Thủ đoạn tinh vi, phức tạp này còn được kết hợp với thủ đoạn dựng lên và tung ra những tin đồn thất thiệt, những thông tin sai sự thật hoàn toàn hoặc một phần, được nhào nặn khéo léo để xuyên tạc và chia rẽ nội bộ ta”. 

“Thực tế đó cho thấy, việc nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, thù địch trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết và cấp bách” - PGS. TS Mai Đức Ngọc khẳng định.

Thái Hải