“Đẻ” ra nhiều loại giấy phép mới

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, “dự luật này là điển hình của luật khung, luật ống”. Ví dụ về quy định hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh lâu nay vẫn được cơ quan hải quan kiểm soát hiệu quả theo quy định của Luật Hải quan, giờ quy định vào luật này vừa cồng kềnh, phát sinh giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh.

"Có những vấn đề đúng là thuộc lĩnh vực quản lý ngoại thương, đúng là chưa được qui định ở đâu cả, nhưng lâu nay hoạt động trên thực tiễn vẫn diễn ra bình thường, không gặp khó khăn gì. Vậy sao bây giờ lại bổ sung qui định quản lý? Mục tiêu của luật này tôi hiểu là hệ thống hóa quản lý chứ không phải gia tăng thêm tầng nấc quản lý”, ông Lộc nói.

Hay quản lý kiểm tra chuyên ngành về xuất nhập khẩu đang chiếm 70% thời gian thông quan được Chủ tịch VCCI chỉ ra, phần lớn vướng mắc ở khâu kiểm tra khi có tới 12 Bộ có quyền và quy định danh mục hàng hoá riêng…

 “Dự thảo cũng đẻ ra nhiều loại giấy phép mới, không kèm bất cứ quy định nào về điều kiện để căn cứ cấp giấy phép, mà chỉ duy nhất thẩm quyền, là không minh bạch”, ĐB Vũ Tiến Lộc lưu ý.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thì băn khoăn với tên gọi của dự luật vì đã quá đề cao vai trò quản lý Nhà nước về ngoại thương, trong khi mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nội dung luật không hoàn toàn điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại thương mà gồm cả hoạt động thương mại xuất nhập khẩu thông thường, như kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa tại Việt Nam, đại lý mua bán hàng hóa cho người nước ngoài…

“Việc ban hành luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, ĐB Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Ông cũng không đồng tình khi dự thảo không quy định cụ thể các biện pháp tạm ngừng, cấm xuất nhập khẩu hàng hoá, mà lại trao quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành.

Phải kiểm soát được thâm hụt thương mại hàng hóa

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) kiến nghị, dự thảo luật cần bao quát được các qui định cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; khắc phục nội dung còn chung chung trong Luật Thương mại.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, qui định tối đa trong luật để khi luật được ban hành thì đi vào cuộc sống, tránh luật khung, luật ống”, ông Thắng nói.

Còn theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang), việc quản lý ngoại thương trên thực tế hiện còn nhiều bất cập, việc kiểm soát xuất xứ hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc chưa chặt chẽ.

Vị ĐB này đề nghị, Dự luật phải được xây dựng dựa trên thực tiễn và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, phải là công cụ phòng vệ thương mại có tác động đến thị trường, kiểm soát được thâm hụt thương mại hàng hóa, giúp người dân không phải tiêu dùng hàng hóa độc hại, giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh…

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về kiểm soát dịch vụ do giá trị gia tăng ngày càng lớn, trong khi cơ chế kiểm soát hiện lỏng lẻo.

“Doanh thu phát sinh tại Việt Nam cho dịch vụ phần mềm xuất khẩu qua biên giới khiến chúng ta thất thu khoản thuế không nhỏ. Do đó, rất cần quy định kiểm soát hoạt động dịch vụ tương tự”, ông Nghĩa nêu ví dụ.

Vị ĐBQH TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, mở cửa hội nhập phải bảo hộ lợi ích quốc gia, sản xuất trong nước. “Không phải do chúng ta lỡ ký kết các cam kết thương mại mà mở toang thị trường được, các quy định đưa ra về hạn chế hay cấm xuất nhập khẩu hàng hoá… phải bảo vệ lợi ích quốc gia, sản xuất trong nước”.

Tránh lạm dụng quyền lực

Riêng với quy định lập thêm phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, nhiều ý kiến ĐB thảo luận tỏ ý không đồng tình và lo ngại sẽ phình to thêm biên chế, và trùng lặp chức năng nhiệm vụ với cơ quan thương vụ ở nước ngoài đã có. Thay vì lập mới thì nên đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan này.

Đăng đàn giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐB để tiếp tục hoàn thiện dự luật, do đây mới là lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến. “Quan điểm Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không mâu thuẫn với tên gọi của dự luật là quản lý ngoại thương”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo sẽ làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất - nhập khẩu hàng hoá theo hướng minh bạch, công khai để “tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng trấn an trước lo lắng của các ĐB về đề xuất lập cơ quan xúc tiến thương mại tại nước ngoài sẽ “đẻ” thêm bộ máy, phình to nhân sự... “Dự luật đưa ra phương án đề xuất hướng tới xã hội hoá, tạo điều kiện cho các hiệp hội, ngành nghề tham gia, chứ không đơn thuần xây dựng bộ máy mới”, Bộ trưởng nói.

Cùng ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thảo Nguyên