Luật PCTN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Để bảo đảm thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất, Thanh tra Chính phủ (TTCP) được phân công chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTN.

Phạm vi điều chỉnh: 2 loại ý kiến khác nhau

Theo TTCP, quá trình xây dựng dự thảo, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của nghị định còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nghị định cần quy định chi tiết nội dung mà Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, để thuận tiện trong quá trình áp dụng, tra cứu văn bản pháp luật và phù hợp với các luật đã được ban hành, cần phải quy định các biện pháp thi hành luật và thay thế Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN.

Với phạm vi điều chỉnh như vậy, tương ứng với tên gọi của dự thảo là “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN”.

Ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, chỉ quy định chi tiết những nội dung mà Luật PCTN năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết. Tương ứng với đó, tên gọi của dự thảo là “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN".

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, TTCP thấy rằng loại ý kiến thứ nhất hợp lý nên đã thể hiện như dự thảo.

Theo đó, Dự thảo nghị định có 11 chương, 88 điều quy định cụ thể trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Dự thảo nghị định cũng cụ thể hóa quy định về tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích; vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, ngành, chính quyền địa phương; áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước…

Các nội dung cần phải có biện pháp thi hành gồm: Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức; chế độ thông tin, báo cáo về PCTN.

Cán bộ đang bị thanh tra chưa được chuyển đổi vị trí công tác

Đi vào vấn đề cụ thể, dự thảo nghị định quy định, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2-5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Tại phụ lục kèm theo dự thảo nghị định thì danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi gồm: Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị; trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc.

Trong đó, mục trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc xác định rõ 17 ngành, lĩnh vực phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Như lĩnh vực tổ chức cán bộ thì tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế... phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.     

Nhưng, theo dự thảo nghị định, người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật, đang bị thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế xác nhận, đang bị học dài hạn, đang biệt phái, đang trong thời gian mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì chưa chuyển đổi vị trí công tác.

Dự thảo cũng quy định một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn đối với cơ quan chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Ngoài ra, không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Việc quy định chi tiết các nội dung này giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền xác định đúng những vị trí công tác cần chuyển đổi, đáp ứng mục tiêu PCTN, đồng thời bảo đảm tránh việc chuyển đổi vị trí công tác mang tính hình thức, có thể tác động tiêu cực tới tổ chức, hoạt động cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bị chuyển đổi.

Cơ quan nào quyết cụ thể danh mục, thời gian?

Tuy nhiên, về quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, theo cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định, hiện đang có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để thuận lợi cho địa phương trong áp dụng khi thực hiện, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương.

“Phương án này thuận lợi cho địa phương trong áp dụng khi thực hiện, tuy nhiên Bộ Nội vụ sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành, rà soát các quy định của các bộ, ngành bảo đảm thống nhất chính sách giữa Trung ương và địa phương”, TTCP nêu trong dự thảo tờ trình.

Cùng vấn đề này, loại ý kiến thứ hai đề xuất, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định  kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

Nếu theo phương án này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ không cần quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương. UBND các cấp sẽ căn cứ quy định của các bộ, ngành để lập kế hoạch chuyển đổi bảo đảm thống nhất với địa phương.

 

Cấm quan chức nhận quà của đơn vị liên quan đến lĩnh vực mình quản lý

Dự thảo nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm qùa tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng.

Việc tặng quà phải thực hiện theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán, thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

Người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

Cũng theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.


 


Thảo Nguyên