Chỉ thị nêu rõ, ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật TTHC năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải THA không thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định; công tác theo dõi THA hành chính của hệ thống THA dân sự đã được triển khai, từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên tòa theo triệu tập của tòa án; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do: Ý thức chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và trong việc THA hành chính chưa được thực hiện hiệu quả.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật TTHC, THA hành chính; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, chấp hành nghiêm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật TTHC năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân; thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành.

“Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính theo quy định”, Chỉ thị nêu rõ.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính; chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính Nhà nước.

Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong việc chấp hành pháp luật TTHC và quản lý Nhà nước về THA hành chính; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác THA hành chính để báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THA hành chính theo quy định…

Thanh tra Chính phủ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung đối với những địa phương có khiếu kiện hành chính phức tạp, số lượng án hành chính phải thi hành lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung làm rõ nguyên nhân và có giải pháp giải quyết căn cơ để khắc phục những bất cập, sơ hở làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là trong quá trình rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án…

Thái Hải