Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tạo “lỗ hổng” để nhà thầu bỏ giá thấp

Góp ý kiến, ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, Dự thảo Luật còn chung chung, nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. “Nhìn nhận thẳng thắn là không bằng các quy định dưới Luật đang có”, ĐB nói.

Theo ông, Luật phải quy định dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình. “Dự toán được duyệt sẽ là giá tối đa để xét thầu hoặc loại bỏ nhà thầu trúng thầu hưởng lợi vượt quá cao so với mức hợp lý, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước hoặc thu quá mức của người dân”, ĐB Hàm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật phải quy định được khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.

ĐB Đoàn Phú Thọ cho rằng, quy định cơ chế chia sẻ rủi ro mà Dự thảo Luật đưa ra là bất hợp lý, vì cho phép doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời gian hợp đồng; đối với các công trình trọng điểm, Nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc chia thêm phần tăng thu.

“Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, tìm nhà thầu phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường là “lời ăn, lỗ chịu””, ĐB Hàm nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cũng băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro. Theo nữ ĐB, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, cơ chế thỏa thuận nhà đầu tư “lời ăn, lỗ chịu” theo đúng nguyên tắc thị trường. Nhưng quy định tại Dự thảo Luật cho phép nhà đầu tư tăng giá phí dịch vụ, kéo dài thời gian hạn thu phí là ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Không nên “nắm nhỏ, bỏ to”

"Chúng ta cần nhớ đến những phản ứng người dân ở các trạm thu phí BOT thời gian qua. Chưa kể, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước, vì dự án chia sẻ rủi ro là quy mô lớn, dự án trọng điểm, Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì bằng hình thức nào, nguồn ở đâu, tác động nợ công xử lý thế nào là chưa có câu trả lời", bà Mai nêu.

 

Ông Đinh Văn Nhã

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro hiện quy định chưa rõ ràng, dễ dẫn đến không công bằng vì không có cơ sở căn cứ chia sẻ 50-50 giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong trường hợp hụt hoặc vượt doanh thu dự án.

Theo ông, chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư chỉ hợp lý trong trường hợp do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, địch họa.

"Chính phủ cần cân nhắc không nên chia sẻ phần tăng thu này mà có thể điều chỉnh giảm giá phí dịch vụ hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng. Chính phủ cần cân nhắc không nên “nắm nhỏ, bỏ to” mà cần “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, đó là các nhà đầu tư lớn", ông Nhã gợi ý.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, do đây là dự án hợp tác công tư nên có trách nhiệm của Nhà nước trong chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.

“Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh”, Bộ trưởng khẳng định và cho rằng, “mục tiêu nhà đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận, chứ không phải chờ thua lỗ nhận hỗ trợ”.

Ông cũng thông tin, cơ chế này không áp dụng tràn lan, mà chỉ với số ít dự án đặc biệt quan trọng, khi chúng ta không thể điều chỉnh được thời hạn.

Nhà đầu tư lo ngại điều gì?

Theo ĐB Hàm, hiện nay, các nhà đầu tư lo ngại khi bỏ vốn là do chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do cơ quan Nhà nước ký hợp đồng không đúng quy định của pháp luật, không hợp lý, dẫn đến người dân, dư luận phản ứng, phải dừng thu, phá vỡ phương án tài chính, thiệt hại cho nhà đầu tư.

Thực tế có nhà đầu tư bỏ tiền làm một chiếc cầu theo hình thức BOT, khi lập, duyệt phương án tài chính thì cam kết các phương tiện không được đi qua cầu cũ. Trước mắt chưa có thêm cầu mới và chưa mở nút giao của đường cao tốc gần cầu BOT.

Nhưng, khi cầu BOT hoàn thành, thu phí thì người dân phản đối nên phải cho xe ô tô dưới chín chỗ qua cầu cũ, khánh thành thêm cầu mới, mở nút giao của đường cao tốc, dẫn đến lưu lượng xe qua cầu BOT giảm lớn, phá vỡ phương án tài chính.

“Đây là vấn đề Luật phải xử lý để đảm bảo đúng cơ chế đấu thầu và nguyên tắc thị trường. Theo đó, Nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư khi thay đổi chính sách hoặc do cơ quan của mình vi phạm, không phải lỗi của nhà đầu tư. Đồng thời, trường hợp nhà đầu tư sai sót, vi phạm hoặc chi phối trái pháp luật để hưởng lợi thì phải có cơ chế thay đổi hợp đồng, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người dân”, ĐB Hàm nhấn mạnh.

  Hương Giang