Bối cảnh vốn ODA hiện tại và các yêu cầu đặt ra

Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỷ USD), trong đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như: Hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Do vậy, vấn đề nâng cao công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt là quản lý tài chính nguồn vốn ODA và vay ưu đãi để phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài và đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững là nhu cầu bức thiết của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Các quy định hiện tại về quản lý ODA lộ nhiều bất cập

Trong quá trình thực hiện Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Bộ Tài chính đã nhận được phản hồi của các bộ, ban, ngành, địa phương về một số khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư.

Thông tư quy định cho phép dự án giải ngân vốn ODA vượt kế hoạch được giao với điều kiện trước 30/12 hàng năm chủ dự án gửi kế hoạch vốn bổ sung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, từ năm 2015 các dự án không được phép giải ngân vượt kế hoạch. Vốn được giao quá thấp, lại chậm được bổ sung nên các dự án bị động.

Quy trình hạch toán ngân sách Nhà nước chưa rõ; dự án chậm nhận được kết quả ghi thu ghi chi; số liệu hạch toán chênh lệch so với thực tế phát sinh, gây ảnh hưởng lớn trong vấn đề quyết toán dự án; số liệu giải ngân lớn hơn nhiều so với số kế hoạch được giao;

Thông tư chưa quy định về việc quyết toán kết thúc dự án vốn sự nghiệp nên dự án hoàn tất mà không có cơ sở quyết toán; Ngoài ra có một số vướng mắc kỹ thuật như lãi trên tài khoản tạm ứng không đủ bù phí dịch vụ ngân hàng, xử lý chênh lệch tỷ giá phát sinh...

Cần quản lý, sử dụng vốn ODA hiệu quả, chặt chẽ hơn

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại”.

Các nội dung quy định mới trong Thông tư số 111/2016/TT-BTC

Xuất phát từ các vướng mắc trong quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài thời gian qua và yêu cầu về quản lý trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã quy định một số nội dung quy định mới trong Thông tư số 111/2016/TT-BTC.

Hướng dẫn rõ nội dung và quy trình xác định cơ chế tài chính ngay từ khâu đề xuất chương trình, dự án; dẫn chiếu đến các quy định đã có tại Nghị định số 16 và làm rõ thêm yêu cầu trình bày tại báo cáo của đơn vị đề xuất.

Về khâu lập kế hoạch và kiểm soát chi, quản lý giải ngân: Thông tư mới bỏ quy định của Thông tư 218 về việc được giải ngân vượt kế hoạch; cơ sở kiểm soát chi là kế hoạch được giao hoặc kế hoạch vốn bổ sung do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về quy trình kiểm soát chi, đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng quy trình chung về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, thanh toán chi giải phóng mặt bằng;

Thông tư bổ sung hướng dẫn một số nội dung đặc thù đối với ODA như hồ sơ kiểm soát chi (có hiệp định, hợp đồng kèm bản dịch, các hồ sơ, chứng từ liên quan).

Về nội dung kiểm soát chi, bổ sung yêu cầu kiểm soát chi sau đối với hình thức tín dụng thư có hoặc không có thư cam kết; cho phép kiểm soát chi sau từ tài khoản cấp 2 đối với các khoản chi cụ thể trong phạm vi dự toán đã được duyệt.

Về quy trình hạch toán ngân sách Nhà nước mới: Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước tại tỉnh, thành phố thực hiện hạch toán đối với nguồn vốn do Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi; thực hiện ngay từ gốc trên cơ sở hồ sơ chứng từ giải ngân do chủ dự án nộp. Bộ Tài chính hạch toán đối với nguồn vốn do Bộ Tài chính ủy quyền cho cơ quan cho vay lại kiểm soát chi. 

Thông tư quy định về nguyên tắc hạch toán và quy trình hạch toán giữa chủ dự án, Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính cấp 1 (quy trình nội bộ giữa Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn tại văn bản riêng). Bổ sung quy định về quyết toán các dự án hành chính sự nghiệp, đồng thời giải quyết các vướng mắc về tỷ giá hạch toán, lãi tiền gửi ngân hàng, xử lý vấn đề tỷ giá khi hạch toán, mở tài khoản tạm ứng, tài khoản cấp 2, bổ sung trách nhiệm ngân hàng phục vụ...

Việc quy định rõ về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường công tác quản lý tài chính, thúc đẩy tăng tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương đối với các chương trình, dự án ODA từ đó nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới.  

Trần Kiên