Theo Bộ LĐTB&XH, ở Việt Nam, hiện tại, việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định, của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang làm xảy ra một số tồn tại như: Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và địa phương (các cơ quan Trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ. Trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông), trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau. Bên cạnh đó, chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: 

Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). 

Theo Bộ LĐTB&XH, phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1995. Trải qua 24 năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lao động.

Theo Ban soạn thảo, qua tổng kết 5 năm thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động vẫn còn một số điều chưa đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dự thảo Bộ Luật Lao động sẽ được lấy ý kiến, tổng hợp, hoàn thiện để trình Chính phủ, dự kiến trong tháng 5/2019.

Ths Lê Thu Trang

(Học viện Cảnh sát Nhân dân)