Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT đã phát sinh một số hạn chế, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh (KCB) BHYT (hợp đồng, đăng ký KCB, chuyển tuyến, thủ tục KCB, giám định); phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; tổ chức và quản lý Nhà nước về BHYT…

“Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, hiện có tới 23 địa phương trong cả nước chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT. Tình trạng này tập trung chủ yếu tại khu vực có ít đối tượng chính sách xã hội hoặc các khu vực có nền kinh tế chưa phát triển, những khu vực có nhiều đối tượng hộ gia đình và đối tượng lao động phi chính quy. Ngoài ra, ở một số cơ sở KCB tình trạng ký hợp đồng tăng, việc kiểm soát chi phíKCB BHYT còn nhiều khoảng trống. Thậm chí, một số người lợi dụng chính sách “thông tuyến” để đi khám nhiều lần trong ngày, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế.

Để xây dựng Luật BHYT sát với thực tiễn Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thao đề xuất, cần phát triển đối tượng và công tác thu BHYT tập trung vào đối tượng tham gia BHYT bền vững, thay đổi phương thức thu BHYT. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng nhằm đảm bảo công bằng giữa công và tư; xem xét lại chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí KCB khi tham gia BHYT 5 năm liên tục, có chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở y tế.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, Luật BHYT hiện tại đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song cần sửa đổi một số nội dung bất cập, thiếu khả thi như văn bản quy phạm pháp luật thiếu thống nhất, quy định mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi KCB nhiều lần, nhiều nơi, còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế; chưa quy định được các gói dịch vụ y tế cơ bản toàn diện như gói dịch vụ y tế cơ bản cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, gói dịch vụ y tế cơ bản cho KCB của người bệnh BHYT... chưa xác định được hợp đồng KCB BHYT thuộc loại hình hợp đồng nào (hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự dẫn tới khó xử lý trong trường hợp vi phạm).

Bên cạnh đó, trong giám định BHYT thiếu công cụ để thực hiện công tác giám định; quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị chưa rõ ràng...

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sửa đổi Luật BHYT nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% hiện nay lên 50%. Bởi đây là đối tượng ít bị bệnh tật nhất, mức chi phí KCB cũng không cao như đối tượng khác. Ngoài ra, đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng nên được nâng mức hỗ trợ BHYT từ 70% lên 100%, vì trên thực tế có những hộ không có sổ hộ nghèo nhưng thực sự rất khó khăn, không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Luật cũng nên thống nhất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; mở rộng đối tượng tham gia BHYT là thân nhân người lao động, là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm của quốc tế, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, sửa đổi Luật BHYT thì nên sửa đổi một cách toàn diện, trong đó tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT, cân bằng mức đóng và mức hưởng, kiểm soát quỹ hợp lý.

Phương Anh