“Trong Nghị quyết này, những vướng mắc đã được quy định rõ ràng hơn và cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin để người dân, tổ chức, NLĐ cũng như các cá nhân nắm được quy định này”, Phó Tổng Giám đốc BHXh Việt Nam Đào Việt Ánh nói.

Cả nước có trên 55.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT

Theo BHXH Việt Nam, đến nay đối tượng tham gia đóng BHXH đã đạt trên 30% lực lượng lao động; đối tượng tham gia BHTN đạt 12,7 triệu người; đối tượng tham gia BHYT đạt trên 84,7 triệu người - tương đương 89% dân số tham gia BHYT.

Mỗi năm cơ quan BHXH cũng giải quyết chi trả chế độ BHXH cho khoảng trên 10 triệu người hưởng và trên 170 triệu lượt người hưởng chế độ BHYT...

Bên cạnh đó, ông Đào Việt Ánh cho hay, các hành vi nợ đọng, trốn đóng và gian lận BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 7/2019, cả nước có trên 55.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lên tới trên 6.000 tỉ đồng, tác động tới hàng trăm nghìn lao động.

Trước đây, cơ quan BHXH đã chuyển sang cơ quan điều tra nhiều hồ sơ để tiến hành khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự; song gặp những vướng mắc nhất định.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, chính sách BHXH, BHYT, BHTN là những chính sách an sinh xã hội cơ bản của đất nước. Việc ban hành nghị quyết sẽ tăng cường tính răn đe cảnh báo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Nghị quyết 05 đã quy định rõ một số thuật ngữ được sử dụng trong các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự; hướng dẫn một số tình tiết liên quan khung hình phạt; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thực hiện trước 0h 00 phút ngày 1/1/2018.

Đáng chú ý, nghị quyết này còn hướng dẫn cụ thể việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể.

4 trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Nghị quyết, trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiên BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. 

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian. 

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý như sau: 

- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự. 

- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ gia BHXH chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 250,000,000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN quy định tại điểm d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự. 

- Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự. 

Cũng theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ BHXH, BHTN, BHYT, thẻ BHYT để chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN, BHYT hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. 

Khánh Vân