Thu tiền theo khối lượng rác

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn TP Hồ Chí Minh tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Hiện nay, việc thu phí cho chất thải rắn sinh hoạt chỉ đáp ứng một phần cho công tác thu gom, xử lý.

Bộ TN&MT cho biết, dự thảo sẽ quy định theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, người dân càng xả rác nhiều càng phải trả nhiều tiền, việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Chính từ đây, sẽ thúc đẩy việc phân loại tại nguồn, giảm lượng phát sinh, thuận lợi cho việc xử lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho Nhà nước thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường cho hay, chất thải được coi như tài nguyên nếu phân loại, không sẽ thành gánh nặng. Đối với chất thải tại đô thị của hộ gia đình, cá nhân, trong Dự thảo lần này chúng tôi học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc là sẽ thu tiền sử dụng bằng hình thức bán các túi thân thiện với môi trường. Đây là hình thức thu tiền sử dụng rác thông qua khối lượng rác thải.

Theo đó, Dự luật quy định chất thải phân ra làm bốn loại để thu gom, xử lý gồm chất thải rắn có khả năng tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su…); chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả…); chất thải cồng kềnh (bàn ghế, sofa…); chất thải rắn nguy hại (pin, bóng đèn, ắc quy chì…). Mỗi loại rác thải sẽ được phân loại vào các túi chứa rác thân thiện môi trường có màu sắc và giá tiền khác nhau.

Mặt khác, để đảm bảo việc cải thiện môi trường, Dự thảo Luật cũng quy định chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ định các đơn vị đề xuất các loại bao bì thu gom rác thân thiện với môi trường. Tiền bán bao bì được hạch toán để bù đắp chi phí xử lý chất thải cho Nhà nước.

Hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của UBND các tỉnh, thành phố. Trong trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.

Dự luật cũng quy định rõ việc thu gom, xử lý chất thải tại nông thôn theo hướng khuyến khích tái sử dụng làm phân hữu cơ, thu hồi phế liệu để giảm lượng chất thải phát sinh.

Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, cơ quan soạn thảo cho biết Dự thảo sẽ quy định việc thu tiền theo cơ chế giá thị trường, thông qua hợp đồng kinh tế.

Theo đó, Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời chất thải rắn; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn thông thường với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở xuống có thể lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn thông thường như hộ gia đình, cá nhân.

Nước thải từ hộ gia đình  phải xử lý tại chỗ

Đối với nước thải, Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị phải có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Còn nước thải từ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ ở đô thị và khu dân cư tập trung phải đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của địa phương trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung.

Dự Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng khi xem xét thẩm định cấp giấy phép phải có công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định của ngành Xây dựng, bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, từng bước cải thiện môi trường nước sông nội đô của một số thành phố, đô thị lớn nhằm giảm tải, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt.

Đối với sản phẩm thải bỏ, Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập khẩu bao bì sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng phải thu hồi sản phẩm thải bỏ. Đưa danh mục sản phẩm thải bỏ đã được quy định và áp dụng ổn định trong nghị định lên Dự thảo Luật.

Việc thu hồi sản phẩm thải bỏ được thực hiện thông qua hình thức ký một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo vệ Môi trường để đảm bảo thu hồi sản phẩm thải bỏ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thu hồi sản phẩm thải bỏ tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình.

Bảo Anh