Tối 20/7, trên mạng xã hội đã xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh cụ bà bị một con chó lao vào cắn xé đến bị thương nặng, chảy nhiều máu khiến dư luận vô cùng bàng hoàng sợ hãi. 

Qua tìm hiểu, PV được biết, sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 20/7 tại ngõ 274/7 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Dương sống trong ngõ cạnh hiện trường.

Mặc dù chủ chó chạy ra ngăn cản nhưng con chó dữ vẫn không ngừng cắn nạn nhân. Vụ việc khiến bà Dương chảy nhiều máu, bị thương nặng phần tay trái và đùi phải, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Chủ nhân của con chó dữ này chính là cháu ngoại của bà Dương. Giống chó tấn công cụ bà được xác định là chó Malinois.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng chó dữ tấn công người một cách ghê rợn. Còn nhớ, vào đầu tháng 4 vừa rồi, bé Đào Đức Nguyên (7 tuổi) ra chơi bóng cùng bạn ở khu vực sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), khi trở về nhà gần đó bị một đàn chó tấn công. Nhiều nhân chứng cho biết, có đến gần chục con chó lao vào cắn cậu bé 7 tuổi này. Thậm chí, khi rất nhiều người đến giải cứu, đàn chó vẫn rất hung dữ. Cháu bé sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, 1 giờ sau khi nhập viện, cháu bé đã qua đời do mất quá nhiều máu.

Sau nhiều vụ chó nuôi tấn công người, câu hỏi đặt ra là hiện nay, các quy định xử lý chủ nuôi chó như thế nào?

Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể đối với chủ nuôi động vật.

Theo Quyết định số 193/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì chủ nuôi chó có trách nhiệm thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã. Chủ nuôi phải cam kết nuôi nhốt hoặc xích, giữ chó trong khuôn viên của gia đình.

“Khoản 2, điều 7, Nghị định 90/2017 quy định xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”, luật sư Hùng khẳng định.

Cũng theo luật sư Hùng, khi chủ vật nuôi cẩu thả, không có biện pháp rào chắn súc vật, dẫn đến hậu quả chết người, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự. “Nếu chủ thả rông chó để chó tấn công gây chết người có thể bị xử lý hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; mức phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm”, luật sư Hùng nói.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng Luật sư Huy An cho rằng, qua những vụ việc chó dữ tấn công người cần thiết phải chế tài xử lý chủ nuôi mạnh hơn nữa để tăng thêm tính răn đe. Bởi thực tế cho thấy, mặc dù đã có đầy đủ quy định, việc tuyên truyền cũng thực hiện rất nhiều nhưng không ít người vẫn lơ là với việc chăn nuôi chó.

“Hiện nay ra đường vẫn còn tình trạng chó không rọ mõm thả rông, thậm chí là chó rất dữ. Chủ chó mặc dù biết được hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn không chấp hành các quy định. Hơn nữa, mặc dù hiểm họa rất lớn nhưng mức xử phạt đối với chó không rọ mõm chỉ là 600 - 800.000 đồng. Vậy, phải chăng chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ sức răn đe”, luật sư Huy An đặt câu hỏi.

Thanh Thanh