Những điểm mới trong dự thảo lần này đã được Bộ GTVT  tiếp thu ý kiến của nhiều đơn vị và cũng nhận được sự tán thành của nhiều doanh nghiệp.

Trong dự thảo mới, Bộ GTVT cũng bổ sung và làm rõ một số điểm mới khác như về định nghĩa kinh doanh vận tải bằng ô tô...

Phải gắn mào trên nóc xe

Trong dự thảo, Bộ GTVT quy định, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi sử dụng đồng hồ điện tử phải có mào (hộp đèn với chữ “xe hợp đồng”) gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm.

Dự thảo cũng quy định rõ: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.

Đối chiếu quy định này trong dự thảo các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go Viet, Grab, FastGo… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải và đều phải gắn mào khi hoạt động.

Ngày 20/4, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, kiến nghị giữ nguyên các nội dung dự thảo NĐ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ GTVT trình lấy ý kiến bộ, ngành Trung ương, các vụ, viện và các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi.

Vấn đề gắn hộp đèn trên nóc phương tiện, thực tế vừa qua, hầu hết các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đều cho rằng, qua gần 4 năm thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT - có đủ cơ sở để khẳng định loại hình kinh doanh mà Grab đang điều hành chính là taxi và phải quản lý như taxi. Trong bản án của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên ngày 28/12/2018 cũng khẳng định bản chất kinh doanh của Grab là vận tải taxi.

Vì vậy, đối với các loại hình vận tải có bản chất giống nhau thì cần có điều kiện kinh doanh giống nhau. Hộp đèn nóc là dấu hiệu cơ bản để nhận diện một phương tiện có chức năng vận chuyển khách với các phương tiện khác. Hộp đèn giúp công tác kiểm tra giám sát thuận lợi hơn cho các lực lượng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kể cả cho người tham gia giao thông, nhất là khi xảy ra tai nạn giao thông...

Ngoài ra, hộp đèn còn có ý nghĩa về sự minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải hành khách, sự công bằng về điều kiện kinh doanh cho các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại các đô thị.

Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, đối với các hãng taxi đang sử dụng phần mềm giống Grab hay Grab cũng phải có đèn nóc. 

Không có loại xe hợp đồng điện tử, chỉ có xe sử dụng hợp đồng điện tử

Dự thảo quy định rõ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, việc quy định này nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải. Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Đặc biệt là tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Ông Hỷ cũng cho rằng, dự thảo NĐ thay thế NĐ 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã tập hợp khá đầy đủ nội dung góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi... Các quy định trong dự thảo đến nay sát thực, có tính công bằng cao, tạo được khung pháp lý và hành lang pháp lý để các loại hình kinh doanh vận tải có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cùng tồn tại cùng phát triển, cùng có cơ hội để thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các địa phương và đất nước.

Ở góc độ công bằng xã hội và trật tự xã hội, Hiệp hội đồng tình với các quy định trong dự thảo (lần thứ 8), với việc phải xác định các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải. Trong đó có các công đoạn thể hiện bản chất của kinh doanh vận tải, đó là: Quyền điều xe - lái xe (quyền điều hành) và quyền quyết định giá dịch vụ (quyền năng về tài chính), với quy định này nếu doanh nghiệp có tham gia điều xe - điều lái xe và quyết định giá cước vận tải thì đó là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Quy định này ngoài việc để phân biệt đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị không kinh doanh vận tải… còn có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm của chủ thể chính, các quyền và nghĩa vụ khác có liên quan như: Doanh thu, vấn đề chính sách lao động, nghĩa vụ bảo hiểm, nghĩa vụ thuế hoặc dân sự - hình sự…

Ông Hỷ cho biết, Grab luôn tự cho mình là đơn vị cung cấp phần mềm, chỉ giữ vai trò kết nối nhưng lại luôn tranh cãi, đấu tranh về các điều kiện kinh doanh vận tải, về các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải vốn thuộc chức năng của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Trước các kiến nghị và yêu cầu của Grab, chiều 17/4/2019, Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng đã lý giải tính hợp lý, hợp pháp đối với 4 vấn đề có trong dự thảo mà Grab cho là chưa hợp lý, chúng tôi nhận thấy sự giải thích của Vụ Vận tải đã được BNEWS/TTXVN đưa lên mạng xã hội là thấu lý, đạt tình, phù hợp cả về lý luận lẫn thực tiễn tại Việt Nam.

Cũng cần khẳng định: Chỉ có xe sử dụng hợp đồng điện tử - có thể đó là xe tải, xe trên 9 chỗ hay xe dưới 9 chỗ nếu chạy hợp đồng đều có thể sử dụng hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Như vậy, hoàn toàn không có khái niệm xe hợp đồng điện tử mà chỉ có xe sử dụng hợp đồng điện tử.

Ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ GTVT ông Lê Đình Thọ vừa có công văn gửi đến UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đề nghị về việc chấn chỉnh ứng dụng gọi xe của Grab trên địa bàn tỉnh, thành này.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Grab thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định 24.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý những vi phạm nếu có đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe…

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu Grab nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành tại Quyết định 24. Không triển khai hoạt động tại các địa bàn như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh. Không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT địa phương.

 

Nghiêm Lan