Thời gian qua, công tác BHYT HSSV luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai BHYT HSSV và đạt được kết quả quan trọng. Theo đó, số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng.

Đã có tiến bộ vượt bậc

Theo thống kê, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Năm học 2009 - 2010 có khoảng 10,7 triệu (gần 70%) HSSV tham gia, đến năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%; năm 2017 có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93% và đến năm học 2018- 2019 đã có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HSSV tham gia BHYT. 

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… đã được nâng cao. 

Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với quyền lợi trẻ em và đã không còn xuất hiện sự “lựa chọn ngược”. 

Chúng ta biết rằng, trước đây có những phụ huynh vì con mắc bệnh trọng, cần điều trị với chi phí lớn đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua BHYT cho cả lớp, mục tiêu là để con mình được hưởng chế độ BHYT. Hiện nay, vấn đề này đã được khắc phục, nhận thức của cha mẹ các em đã được nâng lên, đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh.

Trước đây cũng không ít người có điều kiện khá giả không muốn tham gia BHYT HSSV, thích bỏ tiền túi để thanh toán viện phí hoặc chỉ mua BHYT thương mại, thì bây giờ tư duy đó đã thay đổi. Các gia đình đã tích cực tham gia liên tục BHYT cho HSSV do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Đối với HSSV, công tác giáo dục của các nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết của các em. Học sinh ngay từ bậc học phổ thông đã có ý thức về thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT học sinh như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng. Với nhà trường, các cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị trường, lớp.

Khi nhận thức thay đổi, nhà trường, các thầy cô giáo đã vận động HSSV tham gia BHYT một cách bài bản hơn, có sự giải thích, thuyết phục... để yêu cầu "bắt buộc" trở thành ý thức tự giác của học sinh, sự đồng tình của phụ huynh.

Lợi ích cho cá nhân HSSV, trách nhiệm với cộng đồng

Theo quy định của pháp luật, BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách BHYT, quy định này nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quy định tại Hiến pháp. Với riêng HSSV, việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được tăng lên, HSSV đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Ảnh: BHXH Việt Nam.


Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng/một trường hợp mắc bệnh.

Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Mặc dù, Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho hoạt động y tế trường học.

Trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh. 

Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Như vậy, xét trên phương diện xã hội, khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội.

Thông qua việc tham gia, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe, từ đó, góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ.

Đánh giá cao về việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHYT HSSV thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà nó còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và đối với xã hội, rèn luyện tư tưởng tác phong của thế hệ trẻ...

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV, tiến tới đạt mục tiêu bao phủ 100% đối tượng này, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cần phải giữ vững và tiếp tục nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT. Đã đến lúc cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường...

Bên cạnh đó, phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh, của các nhóm đối tượng tham gia BHYT khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có HSSV. Tại nhà trường, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, trong đó xác định cụ thể các điều kiện khả thi, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện… để nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT bảo đảm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em trong thời gian học tập tại trường.

Đồng thời, ngành BHXH cũng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ; đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cũng như nhận thức của các em HSSV cùng các bậc phụ huynh… để tất cả mọi người trong xã hội hiểu rằng việc thực hiện chính sách, tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội.

Trần Kiên