Diện tích đất này có nguồn gốc là do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đổi cho năm 1990 và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2008, gia đình xây dựng công trình nhà ở và sinh sống ổn định từ đó. Nay do phát sinh nhân khẩu, gia đình xây dựng thêm nhà  ở riêng lẻ nữa trên cùng thửa đất để đảm bảo sinh hoạt.

Ngày 16/7/2018,  khi gia đình chúng tôi đang tổ chức thi công xây dựng thì bị UBND xã đến lập biên bản yêu cầu phải dừng lại; nếu không, sẽ cưỡng chế do nguồn gốc đất là đất ao (chuôm) gia đình vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Chính quyền xã cho rằng trường hợp này phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Đề nghị Tòa soạn cho biết UBND xã làm như vậy có đúng không? (Trần Thị Cửu, 80 tuổi).

Ý kiến của chúng tôi:

1. Căn cứ quy định tại mục k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng, thì gia đình cụ Cửu xây dựng công trình nhà ở này thuộc được miễn cấp giấy phép xây dựng vì thuộc trường hợp: “Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa”.

2. Hoàn toàn không có căn pháp lý để nói rằng chưa được cấp GCNQSDĐ thì không được phép xây dựng nhà ở trên đất đó. Diện tích đất được gia đình cụ Trần Thị Cửu sử dụng có nguồn gốc là do HTX Nông nghiệp giao năm 1990, theo quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đây là trường hợp sử dụng đất từ trước ngày 15/10/1993 nên hộ gia đình cụ đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ ở nông thôn. Pháp luật không buộc người sử dụng đất phải có GCNQSDĐ thì mới được cấp phép xây dựng nhà ở, mà chỉ cần họ đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, theo quy định mục k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng thì gia đình cụ Cửu thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng.

Tóm lại, tình huống này cho thấy chính quyền xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật (đúng ra phải áp dụng pháp luật về xây dựng: miễn cấp phép xây dựng, thì lại áp dụng pháp luật về đất đai) “làm khó” dân  là điều Chính phủ nghiêm cấm để tránh khiếu kiện; bên cạnh đó, sự việc này diễn ra có thể dẫn đến hiểu lầm rằng pháp luật về xây dựng “thoáng” trong khi pháp luật về đất đai “khắt khe” với người dân. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến.

Nhà báo, Luật gia Nguyễn Chấn