Vì vụ kiện được thụ lý theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2010 chứ không phải Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính.

Như PLVN đã thông tin, trong vụ tranh chấp này, TAND tỉnh Kiên Giang từng có quan điểm cho rằng, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã thụ lý và chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi liên quan là đúng quy định nên việc Hội đồng thẩm phán (HĐTP), TAND Tối cao hủy toàn bộ 2 bản án như trên để xét xử lại là không cần thiết và sẽ gây khó khăn trong quá trình giải quyết lại vụ án…

Tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy quyết định hành chính

Vụ kiện xuất phát từ việc ông Đỗ Thân Dân (SN 1973, trú tại TP HCM) khởi kiện yêu cầu Tòa buộc ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1942, trú tại An Giang) thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 6.000m2 đất tại khu phố 4, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang theo nội dung hai bên thỏa thuận đặt cọc năm 2012.

Tuy nhiên, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Hà Văn Tài (SN 1961, khu phố 4, thị trấn An Thới) lại cho rằng 6.000m2 đất không thuộc quyền sử dụng của ông Lợi vì ông này bỏ hoang từ năm 1976. Năm 1977, gia đình ông Tài tiếp tục sử dụng và tạo lập thêm hơn 20.000m2 sử dụng ổn định đến nay. Tuy không sử dụng đất nhưng đến năm 1994, ông Lợi vẫn được UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là sai quy định.

Vì vậy, ông Tài đề nghị Tòa công nhận quyền sử dụng toàn bộ thửa đất (hơn 28.500 m2 và hủy Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Lợi; hủy Quyết định giải quyết tranh chấp đất giữa bố ông Tài và ông Lợi của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc năm 1998, của Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang năm 1999 và của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang năm 2001

Cho rằng ông Tài là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và có yêu cầu hủy các quyết định hành chính cá biệt nên TAND tỉnh Kiên Giang đã thụ lý yêu cầu này.

Tại các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang và TAND Cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh đều đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu độc lập trên của ông Tài.

Tuy nhiên, hai bản án trên đã bị HĐTP TAND Tối cao tuyên hủy để xét xử sơ thẩm lại vì cho rằng việc thụ lý đơn yêu cầu của ông Tài là không đúng; các quyết định cá biệt mà ông Tài yêu cầu hủy không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và đã hết thời hiệu khởi kiện…

Tuy nhiên, theo TAND tỉnh Kiên Giang thì việc thụ lý yêu cầu độc lập của ông Tài là đúng quy định bởi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 201 BLTTDS Điều 28 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2010.

Về lý do chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Tài về việc hủy một số Quyết định hành chính cá biệt, TAND tỉnh Kiên Giang lý giải: việc các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Kiên Giang ra quyết định giải quyết tranh chấp giữa ông Lợi và bố ông Tài (buộc ông Lợi bồi hoàn giá trị cây cho bố ông Tài) là không đúng thẩm quyền theo quy định Luật đất đai (LĐĐ) 2003 vì đất đã có Giấy chứng nhận QSDĐ;

Hơn nữa, việc UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lợi là không đúng đối tượng do ông này không phải là người trực tiếp quản lý sử dụng đất (gia đình ông Tài đang quản lý sử dụng đất. Ông Lợi chỉ sử dụng đất từ 1975 đến 1976). Như vậy, các quyết định cá biệt này ban hành không đúng thẩm quyền, sai về trình tự thủ tục, không đúng về nội dung, làm xâm phạm quyền và lợi ích của ông Tài.

Cùng đối tượng tranh chấp, phải “ghép” đương sự vào cùng vụ án

Khi biết việc HĐTP TANDTC tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, ông Tài đã có đơn đến nhiều cơ quan đề nghị xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm và tiếp tục khẳng định việc ông Lợi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất ông đang sử dụng là không đúng quy định. Việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên cho ông được tiếp tục sử dụng đất là thấu tình, đạt lý, đảm bảo đúng quyền lợi của các bên. 

Bản thân ông Lợi ngay trước phiên tòa sơ thẩm cũng đã thống nhất với ông Tài rằng, nếu Tòa giao khu đất cho ông Tài quản lý và sử dụng thì ông Lợi hoàn toàn đồng ý và không có khiếu nại gì. Đổi lại, ông Tài sẽ hỗ trợ ông Lợi 3,6 tỷ đồng.

Trước đó, khi biết vụ án bị kháng nghị, ông Tài đã gửi chứng cứ trên đến TAND Tối cao mong được HĐTP đánh giá về tình hình thực tế vụ việc và ý kiến của bị đơn. Tuy nhiên, không hiểu sao chứng cứ này không được xem xét. Nay, mọi việc đang diễn ra đúng thỏa thuận và ông Tài đang tiến hành cùng đối tác đầu tư kinh doanh trên thửa đất thì bị dừng lại do có quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

Ngoài việc cho rằng việc kháng nghị là không hợp lý, ông Tài còn cho rằng, việc Tòa cấp sơ thẩm thụ lý yêu cầu hủy quyết định cá biệt của ông là đúng quy định vì căn cứ vào Luật TTHC năm 2010 (đang có hiệu lực tại thời điểm thụ lý, xét xử vụ án). Việc HĐTP TANDTC căn cứ vào Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để cho rằng Tòa cấp sơ thẩm thụ lý sai là không đúng quy định vì khi thụ lý vụ án thì văn bản này đã hết hiệu lực.

Một số Luật sư cũng cho rằng, trong vụ án này, nếu không đưa ông Tài và tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không đúng vì ông này cũng có quyền lợi, tài sản gắn với thửa đất là đối tượng tranh chấp. Hơn nữa, do là người trực tiếp quản lý, sử dụng khu đất nên nếu không đưa ông Tài vào tham gia tố tụng thì bản án tuyên về quyền lợi của nguyên đơn, bị đơn cũng sẽ không thể thi hành được.

Cần khẳng định rằng, ông Tài hoàn toàn có quyền được khởi kiện hủy các quyết định hành chính và hủy Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Lợi nên việc “ghép” yêu cầu này vào vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là hợp lý. 

Giả sử, nếu tách riêng hai vụ án mà quyết định hành chính và Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Lợi bị Tòa tuyên hủy thì lúc này, lại phải “lật lại” vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông Lợi. Việc này vừa phức tạp, tốn thời gian và không đảm bảo giải quyết triệt để các quan hệ liên quan đến cùng một đối tượng tranh chấp.

Theo K. Nguyên/PLVN