Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, quý III, tình hình dịch bệnh Covid -19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta nói chung và công tác tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt chương trình, kế hoạch công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Bộ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành liên quan đến phòng chống dịch Covid -19; tham gia tích cực với vai trò là thanh viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương va Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030”.

Trong công tác thi hành án, tính đến ngày 30/9/2021, đã thi hành xong 480.000 vụ việc với trên 34.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2021 đã thi hành xong gần 3.000 việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng và thu hồi gần 4.000 tỷ đồng trong các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Mặc dù số vụ việc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc phải thi hành án nhưng về số tiền lại chiếm rất lớn, tới 24,5% so với tổng số tiền phải thi hành; có rất nhiều "đại án" có điều kiện thi hành rất thấp. Ví dụ, vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như tổng số tiền phải thi hành lên tới 15.000 tỷ đồng nhưng chỉ có tài sản không quá 500 tỷ đồng; 16 tài sản trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng nhưng các đương sự đang khởi kiện ra tòa để phân chia.

Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các cục, vụ đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm qua rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cách ly phong tỏa, đặc biệt nhiều địa phương số việc, tài sản lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai. Do đó, nhiều việc đang trong quá trình xử lý phải dừng lại. Cùng đó là các vướng mắc về thể chế, đặc biệt cơ chế ủy thác, tài sản nằm nhiều địa phương khác nhau… khiến việc thi hành án kéo dài. 

“Sắp tới sẽ rà soát đánh giá tổng thể quy định pháp luật, trong đó sửa đổi bổ sung quy định tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án trong xử lý tài sản; có giải pháp xử lý các vụ việc giá trị lớn, trong đó có tài sản tham nhũng; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương…”, ông Lợi nhấn mạnh.

Liên quan đến những bất cập trong công tác đấu giá tài sản, đặc biệt vụ trúng mỏ cát gần 3.000 tỷ đồng tại An Giang nhưng muốn xin lại tiền cọc, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định: Cục Bổ trợ tư pháp rất quan tâm tới vụ việc này, bởi có thể trở thành tiền lệ xấu, hủy đấu giá nhiều lần dẫn tới việc cơ quan Nhà nước phải bán chỉ định với tài sản công.

Cục Bổ trợ tư pháp cho biết đã có rất nhiều văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, UBND các cấp khi đưa tài sản ra đấu giá phải thuê tổ chức định giá, xác định đúng giá trị tài sản thì mới bán được đúng theo nhu cầu của người tham gia đấu giá. Điều này nhằm tránh đấu giá dưới mức thị trường hoặc đẩy lên cao quá dẫn tới chuyện như xảy ra trong đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang…

Bà Mai cho rằng, đây là cuộc đấu giá đã hoàn thành và chuyển sang trách nhiệm của người có tài sản là UBND tỉnh An Giang. Giá khởi điểm của mỏ cát chỉ là 7,2 tỷ đồng nhưng người ta đã trả giá rất cao, lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng gần 400 lần. Việc xử lý như thế nào thuộc về UBND tỉnh An Giang.

Bà Mai cho biết, Bộ luật Dân sự và Nghị định số 22/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã quy định rất rõ về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quy định về việc không trả lại tiền đặt trước nếu tổ chức trúng đấu giá không thực hiện quyền khai thác khoáng sản và quyền cấp phép thăm dò.

Vì thế, nếu hủy bỏ kết quả trúng thầu, doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước nếu thuộc vào trường hợp quy định tại Điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ.

Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ.

Bà Mai cho biết, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng thông tư về tiêu chí đấu giá tài sản để đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao chất lượng bán đấu giá. Luật Đấu giá cũng đã có quy định nghiêm cấm và xử lý việc đặt thêm điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, bộ, ngành liên quan đề nghị các đơn vị có thẩm quyền đáu giá thực hiện nghiêm quy định này.

 

 

Thái Hải