Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nam Định Đỗ Đức Dương cho biết, qua việc kiểm tra thực tế cho thấy, càng gần dịp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa diễn ra hết sức sôi động, phức tạp. Không ít trường hợp đã lợi dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao để sản xuất, kinh doanh, buôn lậu các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thay đổi thời gian, phương thức kinh doanh, vận chuyển, tập kết, mua bán hàng hoá thông qua giao dịch điện tử, mạng internet, gửi nhận hàng qua bưu điện… gây nhiều khó khăn cho kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, lực lượng QLTT tại các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân cao nhận thức cho người dân về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt…

Đặc biệt, lực lượng QLTT phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương kiểm soát, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn gian lận, vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hóa để xử lý kịp thời.

Năm 2020, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thị trường, hàng hóa, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin và xử lý vi phạm hành chính trực tuyến (INS) giúp giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ.

Cục QLTT cũng công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để người dân có thể dễ dàng phản ánh tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa vi phạm quy định.

Thông qua đường dây nóng, Cục QLTT tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 6 vụ việc người dân phản ánh về tình trạng bán khẩu trang giá cao bất hợp lý trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19; trong đó, xử phạt 2 cơ sở số tiền trên 30 triệu đồng do nâng giá bán hàng hóa cao hơn nhiều lần giá trị theo quy định.

Năm 2020, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã kiểm tra trên 1.800 vụ, xử lý trên 600 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,8 tỷ đồng. Những vụ việc bị xử lý chủ yếu là: hàng cấm 23 vụ; xăng dầu, khí 82 vụ; đồ gia dụng 27 vụ; thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vật tư y tế hơn 100 vụ...

Nguyễn Lành