Thời gian qua, không xảy ra các vụ án giết người có tính chất thảm án nhưng tình hình các vụ án giết người vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát hình sự trong cả nước đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người sao cho đạt kết quả cao nhất.

Để làm tốt hơn công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm giết người trong thời gian tới, không để các điều kiện phát sinh tội phạm, các đại biểu dự hội nghị tập trung đánh giá toàn diện tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm giết người trong thời gian qua; làm rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế; xác định rõ nguyên nhân; dự báo tình hình và kiến nghị, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm giết người.

Theo đánh giá của các đại biểu cho thấy, nguyên nhân tội phạm giết người diễn biến phức tạp trong thời gian qua chủ yếu là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, một bộ phận người lao động mất việc làm, thất nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, thu nhập, từ đó xuất hiện các mâu thuẫn tích tụ, dễ trở thành nguyên nhân phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong quản lý người tâm thần, người sử dụng ma túy có biểu hiện “ngáo đá” còn chưa đạt hiệu quả cao… Từ đó, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp, góp phần kéo giảm tội phạm, phòng ngừa các vụ án giết người xảy ra.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Trần Ngọc Hà đề nghị, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết căn cơ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người.

Để từng bước kéo giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ đối tượng phạm tội lần đầu, nhất là tội phạm giết người, công an các đơn vị, địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ cơ sở là chính, lấy địa bàn cơ sở là trọng tâm.

Trên 90% số vụ giết người có nguyên nhân xã hội, vì vậy công tác phòng ngừa xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng, cần phải phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 138 địa phương, huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể; chú trọng lực lượng công an cơ sở, nhất là lực lượng quản lý hành chính, công an cấp xã sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp hiệu quả.

Tập trung vào vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, vận động, hòa giải, không để các mâu thuẫn kéo dài…

Cục trưởng Trần Ngọc Hà đề nghị, lực lượng cảnh sát hình sự tăng cường công tác nắm tình hình, tiếp tục thực hiện các mệnh lệnh, phương án, kế hoạch của Bộ Công an; tăng cường phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là các đối tượng sử dụng ma túy, có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, phòng ngừa người bị bệnh tâm thần gây án...

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, thực hiện nghiêm mệnh lệnh, cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần để nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, Cục trưởng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.

T.T