Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép nghiêm trọng.

Vào cuối tháng 6/2021, Công an huyện Koonh Chro, tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng; bao gồm: Trương Văn Tưởng (trú tại thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), Hà Trọng Hải (xã Hà Ra, Mang Yang), L. Sinh (xã Lơ Pang, Mang Yang) và Trịnh Văn Nhựt (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Trước đó, vào trưa ngày 21/6, tổ liên ngành của UBND xã Chư Krêy, huyện Kông Chro phối hợp với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa kiểm tra lâm phần do đơn vị này quản lý tại lô 6, khoảnh 3, Tiểu khu 741 (xã Chư Krêy) thì phát hiện có 2 cây gỗ dầu (nhóm 5) bị chặt hạ.

Qua đo đếm khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 28m³. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 máy cưa, 3 xe máy và tạm giữ 5 đối tượng liên quan.

Trong 5 đối tượng có liên quan này, công an đã khởi tố 4 đối tượng, 1 đối tượng còn lại cho tại ngoại để tiếp tục xác minh, làm rõ vai trò…

Cũng trong tháng 6 vừa qua, tại huyện Mang Yang, phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại Tiểu khu 489 thuộc lâm phần quản lý của xã H’ra, với 11mgỗ bị đốn hạ trái phép. Mở rộng điều tra phát hiện thêm 25 cây gỗ bị chặt hạ với khối lượng hơn 22m3. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép tại khu vực này lên hơn 33m3 gỗ tròn.

Ghi nhận tại hiện trường, lâm tặc đã đốn hạ nhiều cây gỗ lớn và dùng cưa xẻ thành nhiều hộp gỗ ngay tại rừng, sau đó dùng xe độ chế vận chuyển ra khỏi rừng huyện Mang Yang.

Tại hiện trường còn hàng chục gốc cây đường kính trên dưới 40cm có khối lượng hơn 11m3, bị cưa hạ nằm rải rác và 25 lóng gỗ, khối lượng hơn 4m3 chưa kịp tẩu tán.

Lãnh đạo địa phương cho hay, các đối tượng phá rừng đã chọn các khu rừng có địa hình hiểm trở, nằm giữa vùng giáp ranh với các huyện khác…; lợi dụng sơ hở đưa máy móc vào rừng ngang nhiên chặt hạ cây gỗ rừng với quy mô lớn, trong thời gian dài trước sự mất kiểm soát của ngành chức năng.

Qua kiểm tra mới đây tại khoảnh 3, Tiểu khu 25, thuộc lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Rong, lực lượng chức năng huyện Kbang xác định có 25 cây gỗ gồm: Dổi, hồng tùng, re gừng… bị đốn hạ, với tổng khối lượng hơn 50m3.

Bí thư Huyện ủy Kbang đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì phối hợp cùng Công an, Viện KSND huyện, chủ rừng và UBND xã Đak Rong khẩn trương xác minh, củng cố hồ sơ vụ khai thác rừng trái phép tại xã này để chuyển Cơ quan Điều tra Công an huyện xử lý theo quy định.

Cũng tại huyện Kbang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, vào đầu tháng 7/2021, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với Hoàng Văn Duyệt (trú tại thôn 6, xã Krong, huyện Kbang) và Nguyễn Ngọc Thanh (trú tại làng Sinh, xã Krong) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Trước đó, ngày 20/6, tại địa phận xã Đăk Smar, Kbang, Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) tiến hành kiểm tra và phát hiện Duyệt cùng Thanh điều khiển xe ô tô BKS 81C-17740 vận chuyển 22,536mgỗ dổi, nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Ngược lên hướng biên giới tiếp giáp với Campuchia, diện tích rừng xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cũng đang bị tàn phá nặng nề với mục đích lấy… củi.

Ngày 5/5/2021, Đồn Biên phòng Ia Mơr cùng Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) phối hợp lực lượng chức năng huyện Chư Prông phát hiện 8 xe công nông và 1 xe máy cày đang vận chuyển củi gỗ rừng với khối lượng lớn đưa đi tiêu thụ.

Các đối tượng phá rừng lấy củi không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nên lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ tang vật và phương tiện để điều tra.

Qua kiểm tra với số lượng hơn 31,5 ster củi được các đối tượng khai nhận vào rừng xã Ia Mơr cưa hạ rồi chở về xã Ia Lâu (Chư Prông) tiêu thụ.

Được biết, Ia Mơr là địa bàn nóng về khai thác, vẫn chuyển củi đi nơi khác tiêu thụ. Thậm chí, các đối tượng ngang nhiên vào rừng khai thác rồi cắt thành từng khúc vận chuyển ra ngoài trung tâm trước sự “ngó lơ” của lực lượng chức năng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số người dân tại xã Ia Mơr cho hay, các đối tượng thường xuyên vào rừng lấy các cây gỗ khô về làm củi từ lâu nay, nhưng không bị lực lượng chức năng xử lý. Điều đó dẫn đến “thủ thuật” là, cứ vào mùa mưa các đối tượng vào rừng chặt hạ cây gỗ, chờ đến mùa khô đốt cháy rồi cắt thành từng khúc đem đi tiêu thụ. Nếu bị phát hiện, họ nêu lý do tìm củi về đun nấu nên không bị xử lý.

Hậu quả là nhiều cây rừng cao to, tươi tốt đã bị chặt hạ không thương tiếc trước sự bất lực của chính quyền và ngành chức năng ở địa phương. Lâm tặc đã cưa những cây gỗ có đường kính thân khoảng 40cm trở lên cắt thành nhiều khúc với chiều dài khoảng 1m mang ra khỏi rừng dễ dàng.

Từ thực trạng trên cho thấy, Gia Lai là địa bàn nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Vì vậy, ngành Kiểm lâm cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng đã bị phát hiện, khởi tố, cần sớm đưa ra xét xử với mức án nghiêm khắc để làm gương chung.

N.Phó