Yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát trên các phương tiện khai thác

Mới đây, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản về việc giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tại quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động đối với các phương tiện khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đưa hệ thống giám sát vào hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra, trong đó ưu tiên hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông.

Mục đích để đảm bảo việc khai thác cát, sỏi theo đúng giấy phép, tránh tình trạng khai thác lậu, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu gắn các thiết bị theo dõi trên các phương tiện khai thác.

UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các huyện, thành, thị cần tăng cường giám sát hoạt động khai thác của các doanh nghiệp theo cam kết đã ký kết với Sở TNMT.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khuyến khích UBND cấp xã (nơi có mỏ được cấp phép khai thác) thành lập tổ giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tại các mỏ cát, sỏi được cấp phép…

Trong quá trình giám sát, trường hợp phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản (ngoài ranh giới, số lượng phương tiện vượt so với giấy phép, quá thời gian quy định…), hoặc hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn gây ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương, phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trước đó, ngày 27/8/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Đà thuộc địa phận huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, từ ngày 29/8.

Văn bản này cho biết: Hiện nay, trên tuyến sông Đà có hiện tượng sạt lở bờ vở, đất bãi bồi ven sông khi lũ lên và có xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, khai thác vượt số lượng phương tiện đăng ký, vượt công suất cấp phép.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi, đồng thời xác định nguyên nhân gây sạt lở, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Đà, đoạn qua huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy, tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác cát, sỏi từ ngày 29/8.

Công văn yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác thực hiện đăng ký lại số lượng phương tiện khai thác, gắn biển tên doanh nghiệp trên phương tiện khai thác, gắn hệ thống định vị phương tiện khai thác. Yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép cam kết thực hiện khai thác đúng quy định (đúng ranh giới cho phép, đúng thời gian quy định, đúng số lượng phương tiện…) với Sở TNMT, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã liên quan để theo dõi, giám sát.

Nếu phát hiện doanh nghiệp được cấp phép vi phạm các cam kết đã ký hoặc để xảy ra tình trạng khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh mà không thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, thì Sở TNMT đề xuất, báo cáo UBND tỉnh dừng ngay hoạt động khai thác của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định.

Khi các doanh nghiệp được cấp phép thực hiện đầy đủ các điều kiện và cam kết nêu trên, Sở TNMT đề xuất, báo cáo UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp được khai thác trở lại.

Từ khi nào đã phải lắp thiết bị giám sát?

Điều 42 Nghị định số 158 của Chính phủ ngày 29/11/2016 quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Khoáng sản để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, đã nêu:

1. Việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 41 Nghị định này là tổng của các khối lượng sau đây: a) Khoáng sản nguyên khai đã tiêu thụ; đã đưa vào đập, nghiền, sàng hoặc các hoạt động khác để làm giàu khoáng sản; b) Khoáng sản nguyên khai đang lưu trữ ở các kho chứa nhưng chưa tiêu thụ hoặc chưa vận chuyển ra ngoài khu vực khai thác.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

3. Định kỳ hàng tháng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu theo quy định tại Điều 41 Nghị định này để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản, gửi cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Có thể thấy, các quy định về lắp camera giám sát đối với các dự án khai thác cát, sỏi đã được quy định rất cụ thể và rõ ràng.

Còn tại Điều 81 Luật Khoáng sản quy định “trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép; cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền; giải quyết theo thẩm quyền việc cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản ở Trung ương về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền".
Nam Dũng