Theo ghi nhận tại Bộ Công Thương, năm 2019 - 2020, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch cho vay trực tuyến chiếm từ 15 - 20% tỷ lệ phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Riêng, trong quý 3/2020, chiếm 12%.

Phần lớn nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến lãi suất, phí vay cao; hình thức nhắc nợ, đòi nợ kèm theo quấy rối, đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người tiêu dùng, thậm chí, có hiện tượng quấy rối, đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người tiêu dùng để gây áp lực thu hồi nợ. Một số vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động đòi nợ biến tướng, có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen”.

Trước thực trạng phát sinh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật bán hàng đa cấp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã phối hợp với các cơ quan liên quan Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt gần 3 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp.

Ngoài ra, Cục CT&BVNTD phối hợp các cơ quan quản lý liên quan khác đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để nâng cao nhận thức, đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ động đăng tải các nội dung lưu ý, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến; chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để cung cấp, trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vay tiền của người dân có thể tăng cao và các hoạt động cho vay tiêu dùng còn dư địa phát triển mạnh, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch tài chính, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý hoạt động của các mô hình cho vay trực tuyến.

Được biết, trong những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều kết quả tích cực.

Từ diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp gây nhiều tiêu cực cho vấn đề trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương thực hiện hàng loạt biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ để hạn chế nhiều tiêu cực của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, năm 2019 cũng đánh dấu một năm chuyển biến của ngành bán hàng đa cấp, từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tới việc xây dựng và thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý đều ghi nhận những kết quả tích cực.

Trong năm 2019, trên thị trường có 33 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp và 12 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do bị thu hồi giấy chứng nhận, không được gia hạn, hết hạn hoặc tự nguyện chấm dứt hoạt động.

Tính đến hết tháng 8/2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 21 doanh nghiệp, giảm 30% so cuối năm 2018.

Theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018. Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%.

Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Theo số liệu của 24 doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách Nhà nước trong năm 2019 đạt hơn 1.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả (chiếm 35,77%) và thuế xuất nhập khẩu (chiếm 38,02%).

Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép.

Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình. 

Box: Bộ Công Thương đã theo dõi, thu thập và chuyển thông tin, tài liệu liên quan đến gần 30 đơn vị có dấu hiệu hoạt động biến tướng cho các cơ quan công an theo dõi, xử lý theo pháp luật hình sự. Trên cơ sở đó, đã có vụ việc bị các cơ quan chức năng xử lý như vụ việc liên quan đến Cty Cổ phần Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime Coffee).

Lê Phương