Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 800.000 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới mỗi năm với lợi nhuận bất hợp pháp lên đến 150 tỷ USD. Ở Việt Nam có khoảng 1.000 nạn nhân bị buôn bán, trong đó xử án trên 300 trường hợp. Tình hình mua bán người ngày càng trầm trọng nhưng việc đưa ra xét xử gặp nhiều khó khăn do thiếu chứng cứ.

Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, từ đầu năm  đến nay, toàn quốc xảy ra 89 vụ mua bán người, liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân là người Việt. Nạn nhân thường bị lừa bán sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh. Một số trường hợp đối tượng phạm tội mua bán người chính là nạn nhân của vụ mua bán người trước đó.Mua bán người được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê…

Bà Lê Thị Hòa, Phó trưởng phòng Vụ Pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật hình sự đã hướng dẫn cụ thể hơn về xác định tội phạm, về tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, về truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm mua bán người… Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc xử lý các vụ án mua bán người do chưa có các quy định cụ thể về hình thức mua bán người.

“Các quy định của Bộ luật hình sự đã rõ ràng hơn đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng vẫn còn một số thuật ngữ pháp lý cần quy định cụ thể hơn nữa tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng" - bà Lê Thị Hòa nói.

Theo bà, cần quy định rõ ràng việc phân định giữa tội phạm mua bán người với các hành vi phạm tội khác có liên quan như vấn đề cưỡng bức lao động, mại dâm hay vấn đề di cư trái phép. Những vấn đề này sẽ được Tòa án nhân dân tối cao giải quyết trong Nghị quyết số 02/2019 hướng dẫn áp dụng quy định xử lý tội phạm mua bán người.

Ông Nguyễn Quang Lộc - nguyên Thẩm phán, Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, tội phạm mua bán người rất phức tạp bởi đây là tội phạm xuyên biên giới, núp bóng dưới nhiều hình thức như du lịch, hôn nhân, xuất khẩu lao động…

Việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Nhiều trường hợp nạn nhân chết hoặc mất tích nên việc thu thập chứng cứ phạm tội rất khó nếu đối tượng không thừa nhận.

Bên cạnh đó, đối với những vụ án mua bán người có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện, đồng nghĩa với việc đối tượng phạm tội không được xử lý. Đây là điều bất cập rất lớn, dẫn đến án kéo dài, án bị đình chỉ, người dân và dư luận hoài nghi có tiêu cực.

Ông Nguyễn Quang Lộc cho biết: “Đây là loại án rất phức tạp, rất khó khăn trong điều tra, truy tố và xét xử. Các quan điểm chưa thật thống nhất giữa các cơ quan về mặt đánh giá chứng cứ hoặc đánh giá cấu thành tội phạm. Với một lượng án về tội mua bán người như vậy cũng có thể nói đây là một nỗ lực lớn của cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với Công ước phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cũng như việc thực hiện Nghị định thư Palermo mà Việt Nam là thành viên”./.

Theo Kim Thanh/VOV1