Bà Trần Thị Sắc kiện lãnh đạo chính quyền huyện Chư Sê xử phạt 2 triệu đồng vì hành vi “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp” và tịch thu hòn đá mà bà phát hiện được trong quá trình đào ao tưới vườn tiêu trên đất hợp pháp của gia đình. Đây là hòn đá bán quý thuộc dòng đá silic casidol (tổng trọng lượng 7.800kg) và có nhiều ở huyện Chư Sê. Theo các bằng chứng mà phía bà Sắc đưa ra và do các nhân chứng tiết lộ thì việc đào ao, phát hiện và đưa hòn đá này về làm đá cảnh là hoàn toàn hợp lý.

Trong nhiều tháng qua, cục đá của bà Sắc bị tịch thu hiện đã được UBND tỉnh Gia Lai trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Do vậy, cục đá là tang vật đã không thể đưa đến phiên tòa.

Theo cáo trạng, việc đào ao lấy nước tưới cho vườn tiêu của bà Sắc đã có đơn xin UBND xã H’Bông và được chấp nhận. Cục đá có màu sắc đẹp, bắt mắt được bà Sắc phát hiện trong vườn và đưa về làm đá cảnh. 

Ngày 28/3/2012, đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đã đến lập biên bản tịch thu hòn đá đưa về trụ sở UBND huyện Chư Sê, bỏ vào trong cũi sắt. 

Ngày 30/5/2012, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra quyết định  xử phạt hành chính bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời tịch thu hòn đá. 

Bất bình trước quyết định nêu trên, ngày 8/6/2012, bà Sắc đã khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra tòa án và thuê luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư Bình Định) bảo vệ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Chư Sê, được ông Nguyễn Hồng Linh ủy quyền, cho rằng việc bà Sắc cho xe cẩu tảng đá nằm chìm dưới đất khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép là hành vi trái phép. Mặc dù tảng đá nằm trong vườn bà Sắc nhưng diện tích đất mà bà được Nhà nước cấp chỉ được trồng cây ngắn ngày, ngoài ra không được can thiệp gì thêm, kể cả việc... đào ao lấy nước. UBND huyện đã cho tịch thu và ra quyết định xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng và đưa tảng đá về “giam” tại trụ sở UBND huyện Chư Sê.

Bà Võ Thị Tiết, Văn phòng Luật sư Võ Luật (tỉnh Bình Định), đại diện quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn, khẳng định không có bất cứ quy định nào trong luật yêu cầu nông dân đào ao, đào giếng tưới tiêu mà phải gửi đơn lên xin phép chính quyền sở tại. Bà Tiết cũng cho rằng, việc UBND huyện Chư Sê khi phát hiện tảng đá đẹp đã đến lập biên bản, kéo về và “bắt giam” vào lồng sắt là quá vội vàng, bất chấp các quy định của pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản...

Dẫu luật sư Võ Thị Tiết đưa ra nhiều tình tiết hay, thuyết phục tranh luận với Hội đồng Xét xử, tuy nhiên, kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện Chư Sê tuyên bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị Sắc và cho rằng, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ký quyết định xử phạt bà Trần Thị Sắc vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là đúng pháp luật. Trước lời tuyên án của Hội đồng xét xử TAND huyện Chư Sê, bà Trần Thị Sắc cho hay sẽ kháng cáo lên TAND tỉnh Gia Lai.

Trung Đức